Cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) vừa kết thúc tuần qua. Qua cuộc thi, giúp mỗi công dân thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về lịch sử vẻ vang của Thủ đô, từ đó lan tỏa tình yêu Hà Nội, góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Thêm yêu Thủ đô
Cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, giao Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, phối hợp với Thành đoàn Hà Nội thực hiện.
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng, thành viên Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Cuộc thi là nội dung quan trọng trong chuỗi hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Kể từ khi phát động qua nền tảng trực tuyến tuyengiaothudo.com.vn, cuộc thi đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt thí sinh trên toàn quốc tham gia. Cuộc thi là cơ hội và sân chơi để các tầng lớp nhân dân, cũng như cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Thủ đô và tuổi trẻ cả nước tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, từng giai đoạn hào hùng, hoa lửa của Hà Nội”.
Trải qua vòng sơ khảo, 16 thí sinh xuất sắc đã tham dự vòng chung kết và được chia thành 4 đội thi với những tên gọi mang đậm tình yêu Hà Nội, như: “Hà Nội Văn hiến”, “Thủ đô sáng mãi”, “Tôi yêu Hà Nội”, “Hào khí Thăng Long”, cạnh tranh quyết liệt từng điểm số tại 4 phần thi. Các thí sinh đến từ các địa phương, đơn vị khác nhau, đa dạng về ngành nghề, độ tuổi nhưng đều có chung một trái tim nhiệt huyết, một tình yêu đối với Thủ đô yêu dấu.
Phó Bí thư Đoàn thanh niên - Văn phòng Đảng ủy xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) Đỗ Thị Thìn, thành viên đội “Tôi yêu Hà Nội” chia sẻ: “Ở vòng chung khảo cuộc thi đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức mà cả kỹ năng tuyên truyền, vận động. Đây cũng là cách tuyên truyền trực quan, sinh động về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội của Thủ đô đến đông đảo người dân, lan tỏa tình yêu Hà Nội đến với nhiều người”.
Chia sẻ về cuộc thi, đồng chí Lương Công Việt, Phòng Công tác đảng và công tác chính trị (Công an thành phố), thành viên đội “Hào khí Thăng Long” cho biết: “Cuộc thi rất thiết thực và bổ ích. Chúng tôi có cơ hội tìm tòi, nghiên cứu những tài liệu về lịch sử Hà Nội. Qua đó, trong quá trình học tập, rèn luyện, những người trẻ như chúng tôi thấy cần có trách nhiệm hơn đối với sự nghiệp phát triển Thủ đô, xây dựng Hà Nội xanh, hiện đại, giàu đẹp và văn minh”.
Xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại
Là Đội trưởng Đội “Thủ đô sáng mãi”, Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hoàn Kiếm Trần Thị Quỳnh cho biết: “Đội thi của chúng tôi lựa chọn chủ đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhấn mạnh về giải pháp nâng cao vai trò của gia đình trong giữ gìn nếp sống văn minh. Đây cũng là nội dung được thành phố rất quan tâm, thể hiện qua các chương trình, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Là công dân Thủ đô, chúng tôi thể hiện tình yêu với Hà Nội, mong muốn truyền tải các kiến thức thông qua phần giới thiệu về truyền thống văn hóa lịch sử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Đội “Hà Nội văn hiến” lại đưa đến cuộc thi giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng phát huy giá trị các di sản của Thủ đô hiện nay. Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Trần Kim Huyền, Đội trưởng Đội “Hà Nội văn hiến” cho biết: Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngoài việc là một Thủ đô có tầm vóc, trong tốp 17 thủ đô lớn nhất thế giới thì cũng đang ôm trọn trong mình những nét văn hóa của rất nhiều vùng đất địa linh nhân kiệt, với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, cùng với đó là 12 di tích quốc gia đặc biệt.
“Với kho di sản cực kỳ đồ sộ ấy, thôi thúc đội chúng tôi đưa ra các giải pháp để phát huy các di sản trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch, tạo động lực để phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng tôi mong rằng, các giải pháp này sẽ là một trong những nội dung có thể tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền để đưa vào định hướng và nhiệm vụ cụ thể xây dựng Thủ đô trong thời gian tới”, Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Trần Kim Huyền bày tỏ.
Với các thí sinh tham dự chung kết, cuộc thi là cơ hội để thể hiện tình yêu với Hà Nội, được giao lưu, trao đổi, học hỏi những kiến thức về lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội và cùng nhau đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng, phát triển Thủ đô.
Đúng như đánh giá của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, thông qua cuộc thi thêm lan tỏa tình yêu Hà Nội, giúp mỗi công dân Thủ đô thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về mỗi giai đoạn lịch sử vẻ vang của Thủ đô, từ đó hiểu được trách nhiệm và sứ mệnh của mỗi người dân trước lịch sử hào hùng của cha ông ta để lại, trước tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Thủ đô và đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.