(HNM) - Một thông tin không ồn ã nhưng đủ sức thu hút không ít người quan tâm đến
Địa điểm xây dựng Bảo tàng dự định ở Khu đô thị sinh thái Quốc Oai (thuộc ba xã Liệp Tuyết, Ngọc Liệp và Ngọc Mỹ của huyện Quốc Oai) hoặc khu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.
Không ít bậc làm cha mẹ đã tỏ ra lo lắng trước thực trạng học trò ngày nay phải chịu gánh nặng học hành quá lớn nhưng hiểu biết về thế giới xung quanh lại rất hạn chế. Nhiều trẻ sống ở đô thị không phân biệt được đâu là con trâu với con bò; cây lúa với cây cỏ... Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này là vì ngoài sách vở, ti vi, internet..., thì những điểm vui chơi có tính giáo dục trực quan hầu như không có. Chính sự thiếu hụt tri thức đó dẫn đến việc Phòng trưng bày tiến hóa trong khuôn viên BTTN Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), ra mắt cách đây chưa đầy một năm luôn quá tải. Học sinh các trường học đi theo đoàn phải đăng ký trước cả tuần mới được bố trí lịch tham quan. Trong khi nhiều bảo tàng "vắng như chùa bà Đanh", vậy có điều gì hấp dẫn tại đây?
Với diện tích hơn 300m2, Phòng trưng bày tiến hóa giới thiệu hàng nghìn mẫu vật khác nhau được các nhà khoa học sưu tầm ở nhiều vùng, miền trên cả nước. Một số ít mẫu vật được thu thập từ nước ngoài. Người tham quan được dẫn dắt theo tiến trình lịch sử hình thành sự sống của tự nhiên; lịch sử hình thành phát triển và tiến hóa của loài người; bản đồ quá trình di cư của loài người từ Châu Phi đến các châu lục khác trên thế giới... Ít người biết rằng, phòng trưng bày này mới chỉ giới thiệu được một phần rất nhỏ mẫu vật được các nhà khoa học sinh thái Việt Nam miệt mài sưu tập trong hàng chục năm mà chưa có điều kiện giới thiệu đến công chúng... Cũng ít người biết rằng, chủ trương xây dựng BTTN đã được Chính phủ đồng ý chủ trương từ năm 1999, nhưng hành trình xin đất xây bảo tàng trải đến 3 đời giám đốc (bảo tàng) đến nay mới dần ngã ngũ.
Theo quyết định mới của Thủ tướng, Dự án BTTN Việt Nam sẽ xây dựng trên diện tích 32ha, bao gồm: Khu trưng bày trong nhà, khu dành cho bộ sưu tập mẫu vật quốc gia, rừng kín thường xanh, hang động, núi đá, công viên đá, khu vườn địa chất, khu trưng bày kết hợp học tập, trung tâm nghiên cứu và văn phòng, khu dịch vụ, hồ nước đảo nổi và aquarium, khu kỹ thuật và chế tác mẫu vật... Sơ sơ như vậy đã hứa hẹn nhiều kỳ thú.
Việt Nam là một quốc gia có sự đa dạng sinh học phong phú hàng đầu trong khu vực. Ngay từ thời ĐH Đông Dương, một số nhà khoa học đã có ý thức sưu tầm các mẫu động, thực vật. Và nay, ĐH Khoa học tự nhiên, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật... đã có hàng chục vạn mẫu vật, nhưng chúng vẫn đang "ngủ yên" tại các kho lưu trữ. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... lại đặc biệt chú ý đến loại hình BTTN và bảo tàng khoa học. Bởi ở đó, họ có điều kiện giới thiệu cho thế hệ trẻ những thành tựu khoa học, thế giới tự nhiên... một cách trực quan sinh động. Đó là cách nâng niu thế hệ "búp trên cành" một cách thiết thực. Mong sao điều đó ở ta cũng sớm thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.