Moscow sẵn sàng đối thoại với nhóm các nước khác gồm Anh, Đức, Jordan, Saudi Arabia, Mỹ và Pháp trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga cùng các nước tham dự hòa đàm Astana và Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đang làm việc tích cực để thành lập Ủy ban Hiến pháp liên bang Syria.
Ủy ban này có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp Syria theo Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và kết quả Hội nghị Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi của Nga.
Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow “sẵn sàng phối hợp với tất cả đối tác quan tâm tới vấn đề Syria, xoa dịu nỗi đau cho người dân Syria”.
Hiện tại, các tổ chức khủng bố ở Syria gần như đã bị tiêu diệt, đất nước đang tiến tới tạo lập hòa bình và đàm phán chính trị.
Nội dung các chương trình của các vòng hòa đàm Astana là xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy, khôi phục hoạt động kinh tế, hỗ trợ hàng triệu người tị nạn hồi hương.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, việc hỗ trợ nhân đạo cho Syria và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán chính trị, cho phép người dân Syria tự quyết định vận mệnh đất nước đã trở thành xu hướng hợp tác quốc tế.
Ngoại trưởng Nga bày tỏ lấy làm tiếc vì chưa thể đạt được hợp tác với Đức.
Quan điểm của Đức chưa thể vượt ra khỏi quan điểm chung của châu Âu về khả năng hỗ trợ nhân đạo cho người Syria trên phần lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Syria.
Hiện tại, 4/5 đất nước đã đạt được tiến trình chính trị đáng tin cậy.
Ông cũng nhắc tới các lệnh trừng phạt kinh tế-tài chính cứng rắn hiện vẫn còn hiệu lực đã cản trở việc khôi phục hoạt động kinh tế bình thường ở Syria và kiến tạo những điều kiện an toàn đảm bảo cho quá trình hồi hương người tị nạn Syria./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.