(HNMCT) - Là đô thị lớn nhất ở tỉnh Quebec (Canada), nhiều năm qua, Montreal không chỉ nằm trong danh sách những thành phố đáng sống nhất trên thế giới mà còn được biết đến như một trung tâm sáng tạo hàng đầu của khu vực Bắc Mỹ. Trong suốt 14 năm kể từ khi UNESCO công nhận Montreal là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, các nhà lãnh đạo đã liên tục triển khai những chiến lược để phát huy danh hiệu này.
Thành phố sáng tạo
Theo đánh giá của UNESCO, Montreal hiện là một trong những thành phố có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực phát triển và định vị chiến lược thông qua thiết kế sáng tạo.
Để đạt được thành công này, ngay từ khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2006, Phòng Thiết kế sáng tạo thành phố do nữ kiến trúc sư Marie-Josée Lacroix đứng đầu đã xây dựng một bản kế hoạch dài hạn nhằm khuyến khích thúc đẩy và thu hút nhân tài trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Rất nhiều hội thảo, cuộc thi về thiết kế và kiến trúc đã được tổ chức nhằm tạo sân chơi và diễn đàn cho các kiến trúc sư tham gia, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác. Có thể kể tên một số sự kiện lớn về thiết kế sáng tạo tại thành phố này như: Giải thưởng thiết kế thương mại Montreal; Chương trình nghị sự của Montreal về chất lượng thiết kế và kiến trúc; Kế hoạch hành động thiết kế Montreal (2018 - 2020).
Gần đây nhất, Hội đồng Thành phố đã thông qua Chương trình nghị sự Montreal về chất lượng và đặc điểm của thiết kế kiến trúc đến năm 2030. Đây là chiến lược dài hạn nhằm đưa thành phố chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và hướng tới những mục tiêu bền vững. Đồng hành với chương trình này không thể thiếu vai trò của Phòng Thiết kế sáng tạo thành phố - nơi quy tụ các nhà thiết kế và kiến trúc sư hàng đầu.
Robert Beaudry, thành viên Ủy ban Phát triển kinh tế thương mại cho biết, Montreal được hưởng lợi từ nguồn nhân tài phong phú trong tất cả các lĩnh vực thiết kế. Có được điều này là nhờ những chính sách thu hút nhân lực và tạo điều kiện để bộ môn thiết kế sáng tạo có đất phát triển. Việc đưa định hướng phát triển chú trọng tới chất lượng kiến trúc trong vòng 10 năm tới là một hành động để khẳng định Montreal hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế của UNESCO.
Thành phố của các nhà thiết kế
Một yếu tố khác làm cho Montreal trở nên nổi bật là mảng sáng tạo nghệ thuật đường phố. Trong lễ hội bích họa hằng năm, các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Montreal để tạo nên những bức tranh tường ngay trước mắt khán giả. Những lễ hội này có thể giúp giới nghệ thuật sáng tạo xích lại gần nhau, qua đó quảng bá công việc của họ và những con người nhiều ý tưởng này có thể kết hợp để tạo nên những công trình hoặc tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Yan Cordeau, một trong những người đồng sáng lập lễ hội bích họa cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với các nghệ sĩ trong nhiều năm, và chúng tôi muốn mang tới làn gió mới cho các khu phố bằng nghệ thuật. Lễ hội được tổ chức thường niên tại Montreal đã tạo cơ hội tuyệt vời cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng của họ”.
Để tôn vinh các ý tưởng thiết kế và nghệ thuật sáng tạo, thành phố Montreal xây dựng rất nhiều phòng trưng bày và bảo tàng hàng đầu khu vực như: Bảo tàng Mỹ thuật Montreal, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Montreal. Bên cạnh đó, Montreal còn có rất nhiều diễn đàn cho giới sáng tạo nghệ thuật và thiết kế, các trung tâm hỗ trợ giúp đỡ nghệ sĩ và người làm kiến trúc trong mọi giai đoạn sự nghiệp của họ. Những trung tâm này là nơi tổ chức các cuộc gặp mặt, hội thảo của giới nghệ sĩ cũng như giúp họ tổ chức các cuộc triển lãm để giới thiệu ý tưởng sáng tạo tới công chúng. Nhiều trung tâm khuyến khích các nghệ sĩ và nhà thiết kế sáng tạo “cùng làm” trên tinh thần tương tác nghệ thuật và xây dựng cộng đồng để cùng phát triển. Tinh thần các trung tâm này đưa ra là “ý tưởng riêng, làm cùng nhau”.
Một trong những trung tâm hỗ trợ phát triển nghệ thuật sáng tạo thường được nhắc tới ở Montreal là Studio XX, thành lập năm 1996. Các dự án của trung tâm tập trung vào lễ hội nghệ thuật truyền thông và văn hóa kỹ thuật số. “Vì chúng tôi có nhiệm vụ hỗ trợ các nghệ sĩ trong quá trình thực hành, nên việc tạo ra cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng là cần thiết, đồng thời làm cho các sản phẩm sáng tạo của họ trở nên dễ tiếp cận”, Stephanie Lagueux, điều phối viên tại Studio XX cho biết.
Ngoài ra, OBORO cũng là một trung tâm hỗ trợ phát triển nghệ thuật có tiếng. Thành lập năm 1982, OBORO tập trung phát triển nghệ thuật thị giác và truyền thông, nghệ thuật biểu diễn, công nghệ cũng như các phương pháp mới. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm cung cấp nguồn lực cho cộng đồng nghệ thuật địa phương, đồng thời giới thiệu những trải nghiệm nghệ thuật mới mẻ đến công chúng.
Tính tới thời điểm hiện tại, Montreal có hơn 25.000 chuyên gia làm việc trong lĩnh vực thiết kế và nghệ thuật sáng tạo. Đây là lý do không ít người đã gọi Montreal là “thành phố của các nhà thiết kế”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.