(HNM) - Sau 4 năm đàm phán, tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra ở Montreal (Canada), hơn 190 quốc gia đã thông qua dự thảo "Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal". Đây là một thỏa thuận lịch sử nhằm đảo ngược hàng thập niên tàn phá môi trường, đe dọa các loài động, thực vật và hệ sinh thái trên toàn thế giới, đồng thời hướng các nước vào con đường phục hồi hệ sinh thái.
Theo thỏa thuận cam kết trong "Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal", 30% diện tích trên hành tinh sẽ là khu vực được bảo vệ vào năm 2030 và viện trợ tới 30 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để phục vụ công tác bảo tồn. Thỏa thuận còn bao gồm nhiều mục tiêu, trong đó có giảm trợ cấp cho những hoạt động nông nghiệp mang tính tàn phá môi trường, giảm rủi ro từ sử dụng thuốc trừ sâu và xử lý các loài xâm lấn...
Phát biểu trong phiên họp toàn thể ngày cuối cùng của COP15 (ngày 19-12), Giám đốc Tổ chức Campaign for Nature Brian O'Donnell cho biết: “Hôm nay, tại Montreal, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau đạt được một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu có tính bước ngoặt, mang lại một số hy vọng rằng cuộc khủng hoảng mà thiên nhiên đang phải đối mặt bắt đầu nhận được sự quan tâm xứng đáng”.
Lãnh đạo các cộng đồng bản địa đã ca ngợi thỏa thuận là một bước đột phá lớn trong nỗ lực bảo vệ sự đa dạng sinh học trên toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ các cộng đồng thổ dân trước những tác động của ngành công nghiệp khai khoáng. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường so sánh thỏa thuận này mang tính bước ngoặt như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm khống chế mức tăng nhiệt trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Ban đầu COP15 được lên kế hoạch diễn ra vào năm 2020 tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc), nhưng sau đó bị hoãn nhiều lần do đại dịch Covid-19 và cuối cùng được chuyển đến tổ chức tại Montreal. Được coi là "COP của thập kỷ", nhiệm vụ của COP15 là thiết lập một khuôn khổ toàn cầu mới để đạt được các mục tiêu Aichi (thông qua vào năm 2010 tại Nhật Bản, nhưng thất bại trên diện rộng vào năm 2020).
Theo các báo cáo, thiên nhiên đang suy giảm ở mức báo động. Hiện hơn 75% diện tích đất đã bị thay đổi và phần lớn các đại dương bị ô nhiễm. Thế giới đang bước vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu do các hành động của con người, bao gồm phá rừng, đốt nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm sông và đại dương.
Cũng theo báo cáo, con người thường xuyên sử dụng khoảng 50.000 loài hoang dã và cứ 5 người trong tổng số 8 tỷ người trên thế giới thì có một người phụ thuộc vào các loài đó để kiếm thức ăn và thu nhập.
Giám đốc cấp cao của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Lin Li cho biết: “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal được thông qua mang lại cho thiên nhiên cơ hội chiến đấu để phục hồi trong một thế giới hiện đang bị chia rẽ bởi địa chính trị và bất bình đẳng”. Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2024 và dự kiến các quốc gia sẽ tăng cường các cam kết tài chính nhằm ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học.
“Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal” sẽ cung cấp một nền tảng tốt cho hành động toàn cầu về đa dạng sinh học, bổ sung cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Giờ đây, thế giới có một lộ trình hành động kép vì một nền kinh tế toàn cầu phát triển bền vững vào năm 2050. Cộng đồng toàn cầu hiện có một công cụ để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên, đồng thời sử dụng nó một cách bền vững cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Đầu tư vào thiên nhiên cũng có nghĩa là chống lại biến đổi khí hậu để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.