(HNM) - Những tác phẩm của F.Schubert, H.Vieuxtemps, R.Schumann, Mozart, M.Bruch cất lên từ ngón đàn viola của nghệ sĩ Đỗ Minh Thuận vào tối 24-2 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và tối 2-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã khiến khán giả Việt Nam thực sự rung động. Ông vừa về nước biểu diễn theo chương trình hợp tác âm nhạc Việt Nam - Tây Ban Nha.
Nghệ sĩ viola Đỗ Minh Thuận được biết tới là GS hàng đầu về bộ môn viola của Nhạc viện Hoàng gia cao cấp Madrid (Tây Ban Nha), GS thỉnh giảng âm nhạc của Đại học Tổng hợp Salamanca - Đại học lâu đời nhất Tây Ban Nha, đồng thời GS là khách mời của Nhạc viện F.Mendenson (Leipzig - Đức). Ông đã được xếp vào số 32 nghệ sĩ viola nổi tiếng nhất thế giới (theo Bách khoa toàn thư Wikipedia tiếng Tây Ban Nha), thường xuyên có các chương trình biểu diễn ở châu Âu. GS Đỗ Minh Thuận đã chuyển thành công 6 tổ khúc viết cho violon-cello của J.S.Bach cho đàn viola (trước ông, chỉ có 4 nghệ sĩ trên thế giới làm được việc này). Ông cũng là tác giả của cuốn "Nghệ sĩ viola trẻ tuổi" viết về phương pháp giảng dạy cho các sinh viên viola khi mới bắt đầu học. GS Đỗ Minh Thuận đã có cuộc trò chuyện với Hànộimới trong dịp này.
- Thưa GS, ông có thể cho biết vì sao ngày ấy GS lại chọn đến với viola trong khi nhạc cụ này chưa được ưa chuộng?
- Bảy tuổi tôi đã bắt đầu học violon ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) với cây đàn do cha tôi làm. Rồi thầy Nguyễn Văn Thưởng động viên tôi đến với viola. Đàn viola gần với giọng nói con người và tôi đã thấy có nhiều bản nhạc trên thế giới viết cho viola rất đặc sắc nên tôi theo đuổi.
- Vị trí hiện nay của GS ở Tây Ban Nha như thế nào?
- Học ở Việt Nam 11 năm, đến năm 1982, tôi sang Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và may mắn được các GS lừng danh như Ferdor Druznhinin (người được nhạc sĩ D.Schostakovich viết tặng bản sonate cuối cùng cho viola và piano) và Yuri Bashmet dìu dắt. Đến năm 1989, khi nhận Bằng khen đặc biệt tại cuộc thi quốc tế Markneukirchen (Đức), tôi được mời sang Tây Ban Nha làm giảng viên Nhạc viện Hoàng gia cao cấp Madrid. Sau đó tôi phấn đấu thi lên PGS rồi GS. Năm 2004, tôi được tín nhiệm giữ chức Chủ nhiệm khoa viola.
- Về nước một thời gian ngắn, ngoài biểu diễn ông có tham gia giảng dạy, hướng dẫn cho các nghệ sĩ, sinh viên Việt Nam?
- Tôi đã có một số giờ giảng cho sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia, giúp các em nâng cao tiếng đàn ở độ chuẩn xác cũng như phương pháp thể hiện cảm xúc trong trình diễn. Tôi thấy ở nước ta có ít học sinh theo viola và trình độ của các em còn yếu. Còn vấn đề giảng dạy âm nhạc, tôi nghĩ cần thị phạm tốt. Giảng viên phải có thời gian tự tập tác phẩm, rèn tay, rèn tai nghe để nâng cao cả kỹ thuật và nghệ thuật. Các nghệ sĩ - giảng viên của Học viện đã nỗ lực để làm điều đó dù có nhiều mối bận tâm và bộ môn viola chưa được chú trọng lắm tại Việt Nam. Tôi rất cảm phục họ.
- GS có dự định gì để giúp bộ môn viola của nước nhà phát triển?
- Thực ra tôi rất bận với công việc ở nước ngoài, song mong mỏi về nước cống hiến cho âm nhạc nước nhà là điều tôi luôn đau đáu. Đây chính là nơi giúp tôi có những bước đi đầu tiên của sự nghiệp. Tôi định mỗi năm sẽ dành một vài tuần về Việt Nam giảng dạy và biểu diễn. Tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội để được về nước hợp tác làm việc.
- Xin cảm ơn GS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.