(HNM) - Ngày 15-8, trong chuyến thị sát tại chỗ, nơi chịu nhiều thiệt hại nhất, vùng Tây bắc Pakistan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã đưa ra cam kết của cộng đồng quốc tế giúp đỡ người dân Pakistan đang khốn đốn vì nước ngập.
Trận lụt thế kỷ đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân Pakistan. |
Những trận mưa lớn chưa có dấu hiệu ngừng lại, gây lũ lụt suốt hơn 2 tuần qua tại Pakistan đang gây ra cuộc khủng hoảng kép tại đất nước này. Chính phủ Pakistan và các tổ chức cứu trợ quốc tế đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa hàng cứu trợ đến với những người sống sót sau trận lũ. LHQ đã đưa ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang đe dọa Pakistan với làn sóng người sắp chết sau khi nước lũ rút vì bệnh tả và đói. Đến nay, đã có hơn 1.600 người thiệt mạng, hơn 20 triệu người phải đi lánh nạn, khoảng 700.000 ngôi nhà bị phá hủy. Ngày 16-8, cơ quan y tế Pakistan cho biết, ít nhất 15 người bị tử vong do bùng phát dịch bệnh về đường ruột ở khu vực Dera Ismail Khan, miền Tây bắc Pakistan. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có 1 ca tử vong do bệnh tả; đồng thời dự báo khoảng 36.000 người dân nước này đang bị ảnh hưởng do sự bùng phát của dịch tả sau khi lũ rút. Bộ Y tế Pakistan đã phải gửi "báo động đỏ" tới WHO kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp ngăn chặn các căn bệnh truyền nhiễm như thương hàn, viêm gan A và B, nhiễm trùng hệ hô hấp, ghẻ, tả… đang lan nhanh do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong lúc bóng ma một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa có dấu hiệu được xua tan thì cuộc khủng hoảng mới đang đe dọa chính quyền của Tổng thống A.Zardari. Đó là nguy cơ về một cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.
Tin về các đợt lũ mới sẽ tiếp tục tràn xuống phía Nam Pakistan do Cơ quan khí tượng thủy văn Pakistan đưa ra ngày 16-8, cùng những tin đồn về một cuộc đảo chính khiến dư luận lo ngại cuộc khủng hoảng nhân đạo do lũ lụt có thể dẫn đến những nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chính quyền hiện nay ở Pakistan. Mối quan ngại được tô đậm khi nhiều nguồn tin cho biết, khủng hoảng nhân đạo dẫn đến khủng hoảng kinh tế đang châm ngòi cho những cuộc bạo động làm suy yếu chính quyền Islamabad, đặc biệt là phản ứng của người dân tại những vùng thiên tai do sự cứu trợ chậm trễ. Hàng trăm người Pakistan (ngày 16-8) đã phong tỏa một xa lộ ở tỉnh Sindh phản đối hàng cứu trợ chậm chạp đến khu vực này. Trước đó (ngày 15-8), tại tỉnh Punjab, hàng nghìn người đã biểu tình phản đối Chính phủ Pakistan chậm trễ trong việc bảo đảm những nhu cầu tối thiểu của người dân về thực phẩm, nước sạch và thuốc men... Tình hình tại Pakistan đang cấp bách đến nỗi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phải đưa ra nhận định, chính quyền Islamabad có thể sụp đổ vì những thiệt hại khủng khiếp do đợt lũ lụt gây ra.
Tại nơi "rốn" lũ - thung lũng Swat, sào huyệt của tàn quân Taliban - đang hình thành một nguy cơ tiềm tàng mới. Tình trạng lũ lụt đã làm gián đoạn các chiến dịch quân sự của Islamabad vào thung lũng này, tạo cơ hội cho các phần tử Taliban khoảng thời gian quý báu vừa qua để củng cố lực lượng. Hàng nghìn binh sĩ Pakistan cùng nhiều phương tiện cơ động của quân đội đã được Islamabad huy động dồn sức cho công tác cứu hộ. Do đó, các chiến dịch vào thung lũng Swat đã giảm đi đáng kể. Taliban đã không bỏ qua "khoảng trống" này để tập trung binh lực. Ngay trong mưa lũ (ngày 15-8), tàn quân Taliban đã phát đi lời đe dọa thực hiện các vụ tấn công; đồng thời hăm dọa, yêu cầu người dân không được nhận vật phẩm cứu trợ từ các nước phương Tây…
Mưa lũ khiến Islamabad đang trải qua "cơn bĩ cực". LHQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ 460 triệu USD để giúp Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt và đây chưa phải là con số cuối cùng. Những gì mà người dân Pakistan đang trải qua trong lúc này là cực kỳ khó khăn. Sức tàn phá của một thảm họa thiên tai không chỉ gây khủng hoảng nhân đạo, kinh tế mà còn đe dọa cả một thể chế là một cảnh báo nóng bỏng từ Pakistan hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.