(HNM) - Theo các chuyên gia, hơn 20 năm qua là khoảng thời gian thị trường hàng điện máy (HĐM) Việt Nam phát triển nhanh và trở nên hấp dẫn đối với cả doanh nghiệp (DN) cũng như người tiêu dùng (NTD).
Thị trường HĐM ngày càng đa dạng, rất phong phú về mẫu mã, chủng loại, xuất xứ hàng hóa. Tuy vậy, do nhiều yếu tố, trong đó phần lớn là do thiếu hiểu biết mà không ít NTD rơi vào cảnh "mất tiền mua bực mình" sau khi mua một loại HĐM. Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), NTD vẫn phải đối mặt với hàng loạt hành vi vi phạm quyền lợi NTD từ phía bên bán hàng như bán hàng kém chất lượng, giá bất hợp lý, cung cấp thông tin sai lệch cho khách hàng, bán không có chứng từ hóa đơn, thiếu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, từ chối thực hiện bảo hành cho khách… Đơn cử, năm 2013, cơ quan Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam trên phạm vi cả nước tiếp nhận 1.036 trường hợp khiếu nại của NTD, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng… Các cán bộ thuộc hội đã làm chức năng cầu nối, hòa giải giữa bên bán hàng và NTD, hỗ trợ khách hàng và nhiều nhà kinh doanh đã chấp nhận thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhiều trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung thì hội cũng chuyển nội dung đến cơ quan có thẩm quyền. Trong 6 tháng đầu năm nay, văn phòng của hội tại Hà Nội tiếp nhận 29 trường hợp khiếu nại của NTD liên quan đến việc mua HĐM. Hiện nay, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội liên quan đang chủ động phát huy vai trò, kinh nghiệm và sự nhiệt tình để trợ giúp NTD thông qua nhiều hoạt động, biện pháp như tiếp nhận đơn thư và tham gia cùng các bên giải quyết, tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại; tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ của bên bán hàng cũng như NTD.
Đương nhiên, những con số trên chưa thể hiện hết sự khó chịu, thiệt hại của các "thượng đế". Các chuyên gia cũng khuyến cáo NTD về một số thủ đoạn, cách vi phạm bên bán hàng thường sử dụng như cố tình "quên" cung cấp giấy tờ, chứng thực về chất lượng và xuất xứ của hàng hóa; thiếu hóa đơn; không ghi rõ hạn sử dụng; chất lượng và công dụng của hàng hóa không giống như trong quảng cáo. Trên thực tế, một khi khách hàng quay lại cửa hàng để yêu cầu xử lý sự cố với sản phẩm thường hay phải nghe những lời giải thích vòng vo, đại loại như bác cứ về rồi chúng tôi sẽ trả lời sau; bác thông cảm vì hôm nay nhân viên đi vắng, hoặc quý khách vui lòng chờ đến khi nào chúng tôi có linh kiện đúng chủng loại sẽ thay thế… Thiết nghĩ, nếu là trường hợp trục trặc đối với một chiếc tivi thì liệu NTD có thể chờ nhiều ngày để tiếp tục được xem chương trình hay không? Đặc biệt, khách hàng càng tỏ ra e ngại, thiếu tin tưởng với hình thức bán hàng qua mạng.
Về phía mình, NTD cũng cần tự giác tìm hiểu nội dung các văn bản pháp luật, quy định nhà nước về quyền của NTD; phấn đấu từng bước trở thành NTD thông thái như khuyến nghị của các cấp quản lý cũng như sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với hành vi sai trái. Bên cạnh đó, NTD cũng cần tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm và các điều kiện kèm theo trước khi mua hàng, tránh tình trạng lơ mơ, vô tình vi phạm quy định của nhà phân phối, tâm lý ham của rẻ, dễ dãi để khỏi mang vạ vào mình.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh, thái độ tự giác và minh bạch của bên bán hàng là rất quan trọng trong thương trường, bởi nó thể hiện tính chuyên nghiệp và sự nghiêm túc của nhà kinh doanh chân chính. Làm như vậy là DN biết lấy khách hàng là mục tiêu phục vụ đồng thời cũng là kết hợp với việc tạo dựng thương hiệu cho mình. Theo ông Phú, "một que tăm cũng phải vào sổ" đối với mỗi đơn vị thuộc lĩnh vực phân phối, để bảo đảm sự trung thực trong kinh doanh, nghĩa vụ với Nhà nước; đặc biệt là biết vì quyền lợi của NTD.
HĐM có đặc điểm là mẫu mã, tính năng tác dụng được thay đổi rất nhanh nên luôn có "đất trống" để DN sáng tạo sản phẩm mới. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về doanh thu bán hàng của nhiều mặt hàng phổ biến gồm tivi, tủ lạnh, điện thoại di động, điều hòa nhiệt độ, máy tính… đều tăng hơn 20%/năm và dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong nhiều năm tới. Năm ngoái, tổng doanh số bán hàng của HĐM nói chung đạt 40.400 tỷ đồng. Như vậy, xã hội và các ngành chức năng có thể thấy việc kinh doanh HĐM hấp dẫn và mang lại lợi nhuận như thế nào đối với nhà phân phối. Tiềm năng thị trường và nhu cầu mua sắm HĐM đang và sẽ tăng lên, là một mắt xích và lực đẩy cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung. Từ thực tế đó, cơ quan quản lý các cấp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm để bảo vệ NTD, từ đó thiết lập trật tự, văn minh thương mại trên diện rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.