Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Món quà” của tiền nhân

Minh Ngọc| 01/11/2015 05:46

(HNM) - Trong hơn một nghìn năm hình thành, phát triển, Thủ đô Hà Nội là nơi sản sinh và hội tụ những người có bàn tay tài hoa bậc nhất, tạo thành những làng nghề, phố nghề nức tiếng trong và ngoài nước. Với hơn 1.000 làng nghề, phố nghề truyền thống đang tồn tại và phát triển


Nét tài hoa còn mãi

Giữa khu phố cổ tấp nập, những đường phố bắt đầu bằng chữ "Hàng" qua bao biến thiên thời gian vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Phía sau các cửa hàng kinh doanh vàng, bạc sôi động trên phố Hàng Bạc, những người thợ kim hoàn vẫn miệt mài làm việc ngày đêm. Dọc phố Lãn Ông, hàng chục cửa hàng thuốc gia truyền vẫn là những địa chỉ bán thuốc uy tín cho nhân dân khắp mọi miền đất nước. Xa hơn, những người thợ tài hoa của làng nghề Bát Tràng dành trọn tâm huyết cho từng sản phẩm gốm để những sản phẩm "Made in Bát Tràng" có thể theo chân du khách, theo đơn đặt hàng sang đến… trời Tây. Ở Gia Lâm, nhân dân làng Kiêu Kỵ giàu có nhờ nghề dát vàng có lịch sử hàng trăm năm và đang phát triển mạnh mẽ. Ở phía Tây và phía Nam Thủ đô, làng nghề nối nhau san sát, có khi chỉ cách nhau một cánh đồng hoặc một dòng sông. Nào là làng thêu Quất Động, làng điêu khắc đá Nhân Hiền (Thường Tín); làng sơn mài, khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), làng nón Chuông (Thanh Oai), nghề mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ); làng quạt, làng mộc Chàng Sơn (Thạch Thất), làng Sơn Đồng (Hoài Đức) hay làng lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ (Hà Đông)…

Sản xuất sản phẩm sơn mài ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt



Khảo sát cho thấy, hầu hết sản phẩm làng nghề ở Hà Nội được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, mang lại cuộc sống ổn định cho người làm nghề. Quan trọng hơn, khi các sản phẩm làng nghề chứa đựng tinh hoa văn hóa của Hà Nội cũng như cả nước ra thế giới đồng nghĩa với việc bạn bè quốc tế biết đến văn hóa Việt Nam nhiều hơn. Và khi người dân đam mê, gắn bó với nghề, họ thường tập trung phát triển nghề, xây dựng lối sống lành mạnh, ít sa vào tệ nạn xã hội nên nhiều làng nghề trở thành các điểm sáng về văn hóa. Làng nghề lụa Vạn Phúc có 9/12 tổ dân phố, hơn 92% số hộ gia đình đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa; có nhiều đám cưới tổ chức theo hình thức tiệc trà… Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa ở làng nghề Sơn Đồng, mây tre đan Phú Vinh, gốm Bát Tràng… hằng năm luôn cao hơn mức trung bình của địa phương.

Đáng quý hơn, nhiều làng nghề còn giữ được các công trình văn hóa, kiến trúc, nếp sống, nếp sinh hoạt đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ khiến Hà Nội vừa hiện đại, vừa cổ kính, vừa hòa nhập, vừa có bản sắc văn hóa rất riêng. "Trong lộ trình phát triển, những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nhân văn của hệ thống làng nghề, phố nghề ở Hà Nội hiện nay là nguồn tài nguyên quý giá, nhiều ngành cùng bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị", ông Trương Minh Tiến (Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội) khẳng định.

Lan tỏa các giá trị văn hóa

Nhằm giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa làng nghề, những năm qua, TP Hà Nội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để làng nghề hồi sinh, phát triển; đồng thời xây dựng làng nghề trở thành các điểm đến du lịch. Đến làng nghề Bát Tràng hiện nay, du khách có thể tự tay nhào đất, nặn, tạo hình sản phẩm tại xưởng làm gốm của nhiều hộ gia đình; rồi tham quan các công trình di tích hay nghe nghệ nhân giới thiệu về nghề. Đến làng lụa Vạn Phúc, du khách được xem quy trình làm lụa, nghe tiếng thoi đưa tưởng như chỉ còn trong những câu chuyện kể.

"Điều thú vị nhất khi đến thăm một số làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội không phải là việc mua được những sản phẩm tinh xảo, độc đáo, mà là được trải nghiệm làm thợ thủ công và sống trong không gian văn hóa làng nghề", chị Võ Thị Hải, đến từ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chia sẻ trong chuyến tham quan làng nghề Vạn Phúc vào ngày 28-10 vừa qua.

Song song với việc đưa các phố nghề lên bản đồ du lịch, quận Hoàn Kiếm còn xây dựng và triển khai thực hiện đề án "Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nói về đề án này, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Hầu hết lễ hội truyền thống trong khu phố cổ đều có ý nghĩa tưởng nhớ tổ nghề và vinh danh nghề truyền thống, nên việc tổ chức các lễ hội hằng năm nhằm tuyên truyền, giáo dục cho người dân ý thức giữ nghề; đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội". Cũng vì mục đích này, từ năm 2013 đến nay, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với các làng nghề, các địa phương tổ chức liên hoan văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống. Liên hoan có quy mô hơn 200 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, mua sắm được đánh giá là một trong những kênh quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch làng nghề hiệu quả.

Dịp kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) tới đây, nghề và không gian văn hóa làng nghề truyền thống Hà Nội chính thức được mô phỏng, tái hiện tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội. Hiện công trình mang tính chất mô phỏng khu phố cổ Hà Nội làm nơi thao diễn, giới thiệu các sản phẩm văn hóa làng nghề đang bước vào giai đoạn hoàn thiện... "Chúng tôi đã nhận được "đơn đặt hàng" của một số làng nghề, phố nghề truyền thống đăng ký trưng bày, giới thiệu sản phẩm thường xuyên, liên tục tại khu trưng bày ngoài trời. Với cách làm này, tôi tin giá trị văn hóa của làng nghề sẽ ngày một lan tỏa và Bảo tàng Hà Nội cũng sẽ đến gần hơn với công chúng trong nước, quốc tế", ông Nguyễn Tiến Đà (Giám đốc Bảo tàng Hà Nội) nói.

Như vậy, làng nghề, phố nghề truyền thống ở Hà Nội hôm nay được chính quyền và nhân dân Thủ đô coi là một trong những loại hình di sản, là những cái nôi văn hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Món quà” của tiền nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.