Theo dõi Báo Hànộimới trên

Môn bóng bàn ĐH TDTT toàn quốc không thể bốc thăm vì chuyện nhân sự

Hà Nhật| 26/11/2014 06:49

(HNMO) - Những cuộc tranh cãi về nhân sự trước thềm các cuộc bốc thăm môn bóng bàn ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII đã khiến kế hoạch bốc thăm trong ngày 25-11 bị phá sản.


Theo kế hoạch, cuộc bốc thăm môn bóng bàn được tổ chức vào sáng 25-11 tại Hải Dương. Tranh cãi nổ ra không hồi kết nên cuộc bốc thăm được chuyển vào buổi chiều 25-11. Nhưng ở đây, tranh cãi vẫn gay gắt, không ai có thể phân xử được nên BTC buộc phải hoãn sang sáng ngày 26-11. Trong khi đó, theo lịch thi đấu, môn bóng bàn ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII sẽ khởi tranh vào ngày 27-11 tại Hải Dương.

Nguồn cơn của những tranh cãi trên bắt nguồn từ việc BTC trong đó có đại diện của Vụ thể thao thảnh tích cao, bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) không cho phép 14 VĐV của 7 đơn vị gồm Hưng Yên, Vĩnh Long, Tiền Giang, Khánh Hòa, Quân Đội, Bộ Công an, Hải Phòng thi đấu tại Đại hội lần này do từ đầu năm 2014 đến nay đã thi đấu cho đơn vị khác.

Cụ thể, 3 tay vợt Đào Duy Hoàng, Tô Đức Hoàng, Nguyễn Thành Luân đăng ký dưới màu áo Bộ công an đã thi đấu cho Petrosetco; Nguyễn Thị Phương Linh, Trần Thị Thu Huyền đăng ký thi đấu cho Hải Phòng từng thi đấu cho CLB T&T; Nguyễn Trung Kiên, Lê Đình Đức, Nguyễn Anh Đức, Đinh Anh Hoàng (Hưng Yên) từng thi đấu cho T&T; Nguyễn Văn Huấn (Khánh Hòa) từng thi đấu cho Hà Nội; Vũ Thị Hà (Quân Đội) từng thi đấu cho Hải Phòng; Bùi Trung Kiên, Nguyễn Ngọc Tú (Vĩnh Long) từng thi đấu cho T&T; Nguyễn Phi Vũ (Tiền Giang) từng thi đấu cho Petrosetco. Trong số này, nếu bị loại khỏi giải thì Hưng Yên chi còn đúng 1 tay vợt nam là Vũ Mạnh Duy (cựu VĐV Hải Dương). Còn đội Bộ Công an sẽ thiệt thòi nhiều nhất ở các nội dung đồng đội nam, đôi nam.

Tay vợt Đào Duy Hoàng đăng ký thi đấu cho đội Bộ Công an. Ảnh: Tiến Hùng


Theo điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, các VĐV được quyền đăng ký thi đấu cho một địa phương nếu đáp ứng được một trong các điều kiện sau: có hộ khẩu thường trú tại địa phương; có giấy xác nhận là VĐV của ngành Quân đội, Công an do thủ trưởng đơn vị ký; có hợp đồng sử dụng VĐV hoặc hợp đồng chuyển nhượng VĐV hợp pháp trước ngày 1- 1- 2014.

Cả 7 đơn vị trên đều cho rằng, các VĐV của mình đều đáp ứng đúng yêu cầu về nhân sự của Điều lệ ĐH TDTT toàn quốc kỳ này. Còn việc VĐV vẫn thi đấu cho các đơn vị khác thì chỉ dưới dạng cho mượn đã được sự thống nhất, thỏa thuận của đơn vị chủ quản lẫn bên mượn người. Thực tế, người trong nghề quá hiểu việc một số đơn vị có quân thi đấu tại ĐH TDTT toàn quốc năm nay là do được các đội bóng doanh nghiệp, không đủ điều kiện dự ĐH như T&T hay Petrosetco, cho mượn quân. Dù vậy, như lập luận của một số HLV thì Điều lệ môn bóng bàn ĐH kỳ này không ghi rõ rằng kể từ 1-1-2014, các VĐV không được thi đấu cho các CLB khác ngoài CLB đã ký hợp đồng trong năm 2014 với mình. Thế nên, các đội bóng kia có lý do để tranh cãi đến cùng với BTC giải bởi cứ phải theo “Điều lệ”, “giấy trắng mực đen” mà làm. Thậm chí, một số HLV còn trách BTC rằng khi danh sách đăng ký của các đoàn được gửi tới BTC từ cách đây gần 5 tháng (hạn cuối là 1-7-2014), lẽ ra nếu thấy có vấn đề thì phải trao đổi ngay với các đơn vị lien quan. Còn đợi đến kề ngày khai mạc giải mới ra quyết định thì không khác gì làm khó cho các đơn vị.

Chính vì thế, các thành viên chủ chốt BTC môn bóng bàn đã phải từ Hải Dương về Hà Nội ngày trong tối 25-11 để họp bàn với BTC trung ương về vụ việc trên. Kết luận cụ thể cuộc họp trên chưa được công bố nhưng rõ ràng đây lại là vụ việc điều tiếng nhất từ trong năm 2014 của bóng bàn Việt Nam.

Dự kiến, sáng 26-11 sẽ bốc thăm môn bóng bàn nhưng như chính một số người trong cuộc thì cũng không chắc cuộc bốc thăm lần thứ 3 này có thành hiện thực hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môn bóng bàn ĐH TDTT toàn quốc không thể bốc thăm vì chuyện nhân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.