(HNM) - Trong những ngày qua, người dân thôn Thịnh Thôn, xã Cam Thượng (Ba Vì) liên tục ngăn chặn đường, không cho xe ô tô vào bãi cát của Công ty Vinaconex 21 (Tổng Công ty Vinaconex) để vận chuyển. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Người dân xếp thuyền, rào tre để chặn đường không cho xe vào bãi cát của Công ty Vinaconex 21 vào cuối tháng 12- 2010. |
Để tìm hiểu sự việc, phóng viên Báo Hànộimới đã về thôn Thịnh Thôn, gặp đại diện các cụ cao tuổi, trưởng xóm, trưởng thôn vào những ngày cuối cùng của năm 2010. Theo phản ánh của người dân, năm 2003, Công ty Vinaconex 21 đã nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất ở của 7 hộ dân để làm bãi chứa cát, đổi lại, thôn Thịnh Thôn được công ty đầu tư, cải tạo một số con đường. Đây là bãi cát được dòng chảy của sông Hồng bồi sau mỗi mùa nước ngập, thuộc địa phận 3 xã: Đông Quang, Đường Lâm và Cam Thượng, trong đó 2/3 diện tích của thôn Thịnh Thôn và người dân dùng để trồng rau, màu. Công ty Vinaconex 21 bắt đầu khai thác cát từ năm 2004 và công việc diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, các phương tiện chuyên chở hoạt động từ 6 giờ đến 21-22 giờ hằng ngày. Ông Nguyễn Văn Chăm, Trưởng xóm Thịnh Thôn bức xúc: "Nhà tôi lúc nào cũng đóng cửa, nhưng cát vẫn bay ngập nhà; không những vậy, tiếng ồn của máy xúc, ô tô… "tra tấn" suốt cả ngày. Một số hộ đã phải di chuyển vì sợ sập nhà do sụt lún; ngay như nhà bà Nguyễn Thị Phông ở cạnh đường cũng bị nứt. Con đường của xóm nằm giáp với bãi sông đã bị sụt lún dần, nay trở thành đường cụt. Chúng tôi đã nhiều lần phản đối việc khai thác cát, nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm từ phía cơ quan chức năng. Các gia đình ở xóm Thịnh Thôn năm nào cũng phải đóng góp ngày công, tre, đá để kè bờ, song việc sụt, lún vẫn tiếp diễn. Người dân đã nhiều lần ngăn cản việc khai thác cát của công ty và ngày 28-12-2010, nhiều người đã dùng những chiếc thuyền sắt xếp chồng lên nhau, chắn đường không cho xe ô tô đi qua. Trong khi hai bên còn đang đôi co, thì 1 xe taxi chở đến 6 thanh niên lạ mặt đứng lởn vởn quanh người dân. Cán bộ UBND xã và trưởng công an xã cũng có mặt tại hiện trường, nhưng không ai làm việc với chúng tôi; còn ông Khánh (đại diện doanh nghiệp) tuyên bố họ có đầy đủ giấy tờ được phép khai thác"? Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Chỉnh, Trưởng thôn Thịnh Thôn cho hay: Chúng tôi không biết công ty được cấp thẩm quyền nào cho phép, phạm vi khai thác đến đâu, độ sâu được lấy là bao nhiêu? Chúng tôi luôn tôn trọng pháp luật, song việc cấp phép phải hợp lý, không ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Bãi cát này là do thiên nhiên ưu đãi, doanh nghiệp chỉ cần múc lên xe là có doanh thu, còn người dân sở tại lại phải hứng chịu thiệt hại, chưa kể việc khai thác còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác…
Về những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Đức Ngọc, bảo vệ Công ty Vinaconex 21 cho biết: Việc khai thác của công ty chỉ diễn ra từ 6 giờ đến 18 giờ và nhiều người dân địa phương cũng khai thác cát tại đây. Những người lạ mặt xuất hiện vào sáng 28-12-2010 là bảo vệ do công ty điều lên; còn việc cấp phép khai thác cát thì ông không rõ? Ông Lã Hữu Nghiêm, cán bộ địa chính xã Cam Thượng giải thích: Dự án của Công ty Vinaconex 21 xây dựng từ năm 2003 và đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên giấy phép khai thác sau 2 năm doanh nghiệp phải xin cấp lại 1 lần và hiện ông cũng không rõ giấy phép của doanh nghiệp đã được cấp lại chưa. Người dân thôn Thịnh Thôn đã nhiều lần ngăn cản doanh nghiệp, song khó dung hòa được các bên, bởi nhân dân muốn giữ lại bãi để trồng màu, còn doanh nghiệp thì đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc sụt lở đất vẫn diễn ra thường xuyên và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lún sụt, thì chưa có cấp nào kết luận.
Việc khai thác cát chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường sống, song để bảo đảm quyền lợi của các bên, đề nghị cơ quan chức năng giải đáp thỏa đáng về việc cấp phép khai thác tài nguyên và lý giải về sự phát triển bền vững khi bãi cát thôn Thịnh Thôn bị đào, xúc liên tục năm này qua năm khác?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.