(HNM) - Cú sốc tài chính với
Dầu tràn gây thảm họa tại các bãi biển của Vịnh Mexico. |
Hiện hãng dầu khí nước Anh đang phải đối mặt với mức phạt kỷ lục 17,6 tỷ USD do đã gây ra vụ tràn dầu được ví như "thảm họa 11-9" về môi trường tại Mỹ. Thống kê mới nhất của các nhà khoa học Mỹ khẳng định đã có tới 4,9 triệu thùng dầu (tương đương 706 triệu lít dầu thô) tràn ra Vịnh Mexico sau khi giàn khoan Deepwater Horizon nổ tung và chìm xuống biển vào ngày 20-4. Tuy nhiên, sau hàng loạt nỗ lực cứu nguy môi trường từ BP với sự chung tay của giới khoa học nhiều nước mới chỉ hút được khoảng 800.000 thùng dầu về các tàu chứa. Điều đó có nghĩa là BP phải chịu trách nhiệm chi trả khoản phạt dân sự cho 4,1 triệu thùng dầu đã lênh đênh trên biển theo Đạo luật Nước sạch của Mỹ. Nếu sự cố khủng khiếp xảy ra gần 4 tháng trước được chứng minh hoàn toàn là một tai nạn bất ngờ và không có chủ ý của đương sự, mức phạt sẽ dao động từ 1.100 đến 4.300 USD/thùng dầu bị tràn cũng sẽ khiến đại gia xứ Sương mù phải móc hầu bao tới 17,6 tỷ USD.
Mặc dù chưa chính thức nhận được "trát đòi tiền" từ nhà chức trách Mỹ, song tuyên bố của Giám đốc Văn phòng chính sách Biến đổi khí hậu và Năng lượng của Nhà Trắng bà Carol Browner về khoản phạt cho thấy gánh nặng tài chính mà BP phải hứng chịu sẽ tiếp tục tăng. Động thái này một lần nữa khẳng định quan điểm và hành động quyết liệt từ chính phủ của Tổng thống Barack Obama đối với một trong những tập đoàn chủ lực của "người anh em" bên kia Đại Tây Dương sau sự cố tràn dầu tai tiếng.
Số tiền phải nộp phạt cho một vụ bất cẩn của một thương hiệu tầm quốc tế khi làm ăn ở nước ngoài làm kinh ngạc các nước nghèo cũng như các nước đang phát triển sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các nhà lãnh đạo BP trong điều kiện khốn khó như hiện nay. Chưa đầy 4 tháng sau thảm họa kinh hoàng, không chỉ tiền bạc mà uy tín và cơ hội kinh doanh của hãng dầu khí nước Anh đã hao hụt nhanh chóng. Để dồn tiền cho Quỹ bồi thường 20 tỷ USD nhằm dọn dẹp môi trường và quá trình pháp lý hứa hẹn kéo dài nhiều năm, tài sản của BP ở khắp nơi trên thế giới đã lần lượt "đội nón ra đi" trong khi kế hoạch bán những tài sản có giá nữa đang tiếp tục được thực thi.
Không thể chờ đợi sự cảm thông từ làn sóng giận dữ của dư luận Mỹ khi nhiều ngư trường tại Vịnh Mexico bị buộc phải đóng cửa vì dầu tràn, BP đã nỗ lực không ngừng trong việc đưa ra các biện pháp lấp miệng giếng dầu, nguồn cơn của thảm họa "thủy triều đen". Tập đoàn đang lâm nguy của Anh hy vọng việc bơm hỗn hợp bùn nặng để bịt miệng giếng trước khi thực hiện bước cuối cùng là đổ bê tông nhằm khóa vĩnh viễn giếng dầu có trữ lượng rất lớn này sẽ hoàn tất trong vài ngày tới. Chỉ khi dầu ngừng phun trào từ đáy đại dương, BP mới có thể nhanh chóng thoát khỏi bóng đen của thảm họa tồi tệ đang đè nặng lên tập đoàn mang thương hiệu thế giới.
Trước khi thảm kịch thế kỷ xảy ra, BP từng được Washington xem như một trụ cột quan trọng cho an ninh năng lượng Mỹ với vị trí hàng đầu về sản xuất dầu và khí đốt tại Hoa Kỳ. Từ chỗ được nhìn nhận như một bến đỗ an toàn cho giới đầu tư với mức lợi nhuận gần như không bị ảnh hưởng bởi giông bão của khủng hoảng tài chính, hãng dầu Anh đang đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn nhất trong lịch sử phát triển 101 năm.
Sự kiện Tổng thống Barack Obama dùng đồ hải sản đánh bắt tại Vịnh Mexico trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 49 (tối 8-8) tại Chicago không chỉ thể hiện sự tin tưởng về chất lượng hải sản tại khu vực có dầu tràn, mà còn là một cử chỉ tinh tế của ông chủ Nhà Trắng nhằm trấn an dư luận Mỹ. Những món hải sản có lẽ vẫn ngon, ngọt như vốn có; song, BP đã nếm đủ vị đắng do đã gây ra thảm họa môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân xứ Cờ hoa bên Vịnh Mexico. Đây quả là một bài học đắt giá không chỉ với BP mà còn với tất cả các hãng đang làm ăn tại nước ngoài vì môi trường sống không phải của riêng ai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.