Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mới quan tâm đến lợi ích của chủ đầu tư?

Ngân Nga| 27/12/2011 06:58

(HNM) - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất những giải pháp để phát triển quỹ đất dành cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhằm hạ giá nhà tới 30 - 40%.

Từ những đề xuất ưu đãi về thuế và tín dụng, VAFI kỳ vọng người dân chỉ cần bỏ ra số tiền ban đầu từ 200 đến 400 triệu đồng là có thể được sở hữu căn hộ với mức giá từ 350 đến 700 triệu đồng. Tuy nhiên, thông tin đáng mừng này đang gây ra những luồng dư luận trái chiều…

Khu nhà cho người thu nhập thấp tại Sài Đồng, Long Biên. Ảnh: Bảo Kha

Chị Phạm Thị Tuyết (phường Bồ Đề, quận Long Biên):
Quan tâm đến quyền lợi của doanh nghiệp hơn là người thu nhập thấp

Mấy tháng trước, tình cờ nghe thông tin về dự án xây dựng nhà ở xã hội tại phường Sài Đồng, quận Long Biên, tôi đã đăng ký và may mắn trúng một suất khi bốc thăm. Nhưng khi chủ đầu tư phổ biến về thời hạn nộp tiền, tôi đành phải nhường cho người khác. Bởi lẽ, theo quy định mà chủ đầu tư đưa ra, chỉ trong hơn một năm, tôi phải nộp số tiền trên 600 triệu đồng, chia thành 5 đợt, mỗi đợt cách nhau 2-3 tháng. Với một người sống đơn thân lại nuôi con nhỏ như tôi, đây là số tiền quá lớn mà trong khoảng thời gian ngắn, tôi không thể có được. Khi nghe báo chí thông tin về việc VAFI kiến nghị hạ giá nhà ở xã hội xuống 30-40%, tôi rất mừng. Mừng vì nếu giá nhà thu nhập thấp hạ xuống, may ra những người có hoàn cảnh như tôi mới thoát khỏi cảnh sống bấp bênh khi phải ở nhà thuê. Tuy nhiên, đọc kỹ những đề xuất của VAFI, tôi thấy dường như hiệp hội này mới chỉ quan tâm đến giải pháp nhằm cứu doanh nghiệp (DN) bất động sản trong giai đoạn thị trường đang khó khăn, trầm lắng, hơn là quan tâm đến quyền lợi của người thu nhập thấp (TNT). Điều đó thể hiện ở chỗ, VAFI kiến nghị bỏ hầu hết các loại phí và thuế cho chủ đầu tư như: thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…; đồng thời cung cấp nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất dưới 10%. Điều này có nghĩa Nhà nước sẽ mất đi khoản thu không nhỏ, trong khi số tiền lãi chảy vào túi DN xây dựng nhà TNT không hề giảm. Đành rằng kinh doanh là phải có lãi, song nếu chỉ hạ giá nhà TNT bằng cách cắt giảm nguồn thu từ ngân sách quốc gia, mà không buộc DN phải tiết giảm chi phí quản lý, áp dụng công nghệ mới… thì việc giảm giá nhà chưa thể đi vào thực chất.

Anh Nguyễn Công Long (phường Trung Tự, quận Đống Đa):
Cần giảm giá thành và thủ tục hành chính

Là người sống độc thân, hiện phải đi ở nhờ nhà họ hàng, nên tôi rất mong có cơ hội sở hữu một căn nhà TNT. Khi nghe dự án nhà TNT ở Sài Đồng (Long Biên) được hoàn thiện, tôi vội vã hoàn tất các thủ tục để đăng ký, nhưng mất 3-4 lần chạy đi chạy lại, từ gặp tổ trưởng tổ dân phố đến UBND phường vẫn không xin được xác nhận về tình trạng nhà ở hiện nay. Quá mệt mỏi, tôi đành bỏ dở ý định đăng ký mua nhà TNT. Chỉ nhìn qua bảng giá, có thể thấy giá nhà TNT tại Hà Nội đang cao gấp đôi Đà Nẵng và gấp rưỡi TP Hồ Chí Minh. Chính mức giá và các thủ tục nhiêu khê là nguyên nhân khiến nhà TNT tại Hà Nội ngày càng ế ẩm. Muốn kích cầu thị trường này, trước hết các chủ đầu tư phải chủ động tìm cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ xây dựng mới nhằm tiết giảm tối đa chi phí, thay vì chỉ nhăm nhăm quan tâm đến việc xây dựng được bao nhiêu căn hộ, bán được bao nhiêu tiền… Cùng với việc giảm giá thành, cần phải giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người TNT tiếp cận được những căn nhà xã hội.

Ông Trần Văn Nguyên (Phó Giám đốc Hanco 3):
Bài toán hóc búa…

Tuy chưa được biết thông tin chính thức về kiến nghị giảm giá nhà của VAFI, nhưng dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng, bất cứ ai khi đưa ra một đề xuất nào đó đều giống như đưa ra lời giải cho một đề toán. Nhưng bài toán đó giải được hay không lại là vấn đề khác. Ở góc độ đơn vị đầu tư tham gia lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội cho người TNT, chúng tôi phải làm đúng theo các chính sách của Nhà nước và có sự kiểm tra của các cơ quan, ban, ngành chức năng. Có những chính sách rõ ràng trên văn bản như hỗ trợ tiền thuế, hỗ trợ lãi vay... nhưng đến nay DN vẫn chưa được tiếp cận. Trong khi vốn đầu tư xây dựng nhà TNT tại dự án Sài Đồng (Long Biên) của DN đã trên 100 tỷ đồng, số vốn huy động của khách hàng chưa đủ bù chi. Đợt mở bán gần đây nhất, chúng tôi có khoảng 100 khách hàng đã bốc thăm căn hộ, nhưng tìm nhiều lý do để ngừng hợp đồng, đấy là chủ quan của họ. Riêng tôi nghĩ, ai có nhu cầu ở thực sự, có khả năng huy động tiền cũng sẽ cố gắng mua.

Ông Phùng Văn Tiến (Phó Chi cục Quản lý công sản, Sở Tài chính):
Bảo đảm tính đúng, tính đủ…

Trước hết, tôi quan tâm đến chủ nhân đưa ra đề xuất giảm giá nhà TNT. Nếu đó là chính chủ đầu tư đang tiến hành xây dựng dự án nhà TNT thì tôi hoàn toàn hoan nghênh, giảm 30% - 40% chứ giảm hơn nữa càng mừng. Nhưng hiện tại, việc xây dựng quỹ nhà TNT liên quan đến NSNN thì phải do các cấp, ngành thuộc Nhà nước đề xuất, quyết định. Bước đầu tham gia lĩnh vực nhà TNT, doanh nghiệp đã phải bỏ tiền túi ra đầu tư để hưởng mức lãi thấp theo quy định. Chính vì vậy, đề nghị giảm giá nhà TNT phải gắn quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan vào đó.

Là đơn vị được giao thẩm định giá nhà TNT, chúng tôi bảo đảm tính toán đầy đủ các ưu đãi mà người dân được hưởng trên tinh thần phần nào được giảm thì tính giảm hết mức. Chúng tôi sẽ có lỗi nếu không tính đúng, tính đủ, nhưng cũng không thể tính hơn vì không thể lấy ngân sách ra bù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mới quan tâm đến lợi ích của chủ đầu tư?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.