Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối nguy từ thói quen ăn thịt bò tái

Lưu Thu| 16/11/2022 06:59

(HNM) - Thường xuyên ăn thịt bò tái và rau sống, người phụ nữ 64 tuổi (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị đau bụng âm ỉ suốt một tuần và phải đến thăm khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét ký sinh trùng trung ương). Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân này bị nhiễm sán dây.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây gồm 2 loại là sán dây lợn và sán dây bò, thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5 đến 12%; trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò chiếm 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%. Người ăn phải thịt lợn, thịt bò có ấu trùng sán (nang sán) chưa được nấu chín sẽ phát triển thành sán dây lợn hoặc sán dây bò trưởng thành, ký sinh ở ruột non của người. Người ở tất cả các lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh này. Tuy nhiên, bệnh sán dây bò thường chiếm tỷ lệ cao hơn sán dây lợn vì người dân thường ăn thịt bò tái hoặc chưa nấu chín hơn thịt lợn.

Khi bị nhiễm, người bệnh thường có triệu chứng không điển hình, như: Đau âm ỉ vùng rốn; buồn nôn, nôn khan; rối loạn tiêu hóa; thỉnh thoảng thấy đốt sán bò ra hậu môn hoặc theo phân ra ngoài. Bệnh sán dây có thể khỏi hoàn toàn khi được chẩn đoán đúng và điều trị thuốc đặc hiệu. Do đó, khi có các triệu chứng bệnh, người dân cần đến các bệnh viện chuyên khoa ký sinh trùng để được chẩn đoán sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Để phòng bệnh sán dây, theo Cục Y tế dự phòng, người dân cần tuân thủ vệ sinh phòng bệnh, gồm vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò, lợn tái hoặc chưa được nấu chín. Cùng với đó, thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Ngoài ra, cần quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy từ thói quen ăn thịt bò tái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.