(HNM) - Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra những vụ án liên quan đến việc sử dụng giấy tờ có giá
Vụ việc gần đây nhất là ngày 3-7 vừa qua, Công an Cần Thơ bắt tạm giam ông Nguyễn Trường Sơn (nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Cần Thơ) về hành vi này. Theo kết quả điều tra, một năm trước, trong quá trình mua bán đất đai, ông Sơn nợ bạn hơn 3 tỷ đồng. Bị đòi nợ, ông Sơn đưa sổ tiết kiệm có ghi số tiền 2,9 tỷ đồng thế chấp. Nhưng khi nạn nhân mang sổ đến quỹ tín dụng rút tiền thì bị từ chối vì đây là sổ giả.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm chưa được công khai ở chính nơi cung cấp nguồn gốc ra đời sản phẩm đó. Do đó, ngay cả các bị hại chưa biết bản chất vụ việc lừa đảo, muốn cơ quan quản lý tài sản vừa được thế chấp yêu cầu cung cấp thông tin nhưng đáp ứng hay không lại "tùy thuộc" vào người nắm giữ. Lợi dụng kẽ hở trên, tội phạm đã tung ra rất nhiều thủ đoạn khiến nhiều người cả tin và không ít cơ quan, tổ chức sập bẫy.
Sở Tư pháp TP Hà Nội nhận định, với công nghệ hiện nay, giấy tờ giả được làm như thật, rất khó phát hiện. Khi công chứng viên thụ lý hợp đồng, muốn xác định một mảnh đất, căn nhà có đang bị cấm chuyển nhượng, đang bị thế chấp hay không, nhiều khi họ phải vận dụng "quan hệ cá nhân" với cơ quan đăng ký nhà đất mới mong có được thông tin. Và thực tế, đã xảy ra trường hợp công chứng viên công chứng "nhầm" do không có đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm hoặc sổ đỏ dởm làm y như thật - từ vân vi các trang đến nét mực, khiến họ phải chạy theo để liên đới giải quyết hậu quả.
Thực ra, không phải pháp luật không có quy định về việc cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm, nhưng lại thiếu chế tài và sự ràng buộc nghĩa vụ, liên thông thông tin giữa cơ quan quản lý. Việc trao đổi thông tin ngay giữa các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và nhà, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành các động sản như máy bay, tàu biển… cũng lúng túng vì "thiếu luật".
Bất cập là vậy nhưng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản dự thảo đã lâu nhưng chưa được ban hành. Còn Luật Tiếp cận thông tin kheo kế hoạch đến năm 2014 mới được Bộ Tư pháp trình Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.