(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 tấn công trực diện vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, rút kinh nghiệm từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội đã sớm triển khai các biện pháp bảo vệ thành trì sản xuất. Việc khẩn trương thành lập “Tổ an toàn Covid-19” với tinh thần mỗi doanh nghiệp là một “pháo đài” phòng, chống dịch là điểm nhấn đáng ghi nhận.
Cách làm thiết thực
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai (từ ngày 14-5), 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc các ngành Công Thương, Xây dựng, Giao thông Thủ đô đã thành lập “Tổ an toàn Covid-19” trong doanh nghiệp. Thành viên nòng cốt là người lao động trực tiếp làm việc tại tổ sản xuất, am hiểu về phòng, chống dịch bệnh, có uy tín đối với công nhân. Kết quả này không chỉ thể hiện rõ quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19 mà còn tạo đà cho sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương.
Tại Công ty TNHH May Phù Đổng (huyện Gia Lâm), ngay sau khi được thành lập, 5 “Tổ an toàn Covid-19” đã hoạt động rất tích cực. Trong điều kiện phải hạn chế tập trung, tiếp xúc, các tổ đã tận dụng mạng xã hội để phân công, đôn đốc công việc của từng thành viên như: Thường xuyên giám sát, nhắc nhở công nhân thực hiện thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế, cũng như các yêu cầu phòng, chống dịch khác; theo dõi sát sao sức khỏe của người lao động...
Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Phù Đổng Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, nhờ có “Tổ an toàn Covid-19”, công tác phòng, chống dịch được triển khai đến từng đoàn viên, người lao động nên hạn chế tình trạng chủ quan. Mô hình này thật sự hữu ích trong thời điểm hiện nay, giúp sản xuất không bị đình trệ.
Còn tại Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát (huyện Thanh Trì), Công ty TNHH Điện tử Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), các “Tổ an toàn Covid-19” gồm cán bộ công đoàn, an toàn, vệ sinh viên, công nhân lao động trực tiếp chính là mắt xích quan trọng, hỗ trợ đắc lực doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, cứ đầu giờ sáng mỗi ngày, các thành viên trong tổ có mặt tại các điểm ra - vào công ty để hướng dẫn sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt cho người lao động. Sau khi kiểm tra sức khỏe tại cổng vào, “Tổ an toàn Covid-19” tiếp tục theo dõi, nhắc nhở người lao động thực hiện đeo khẩu trang và giãn cách trong suốt quá trình làm việc.
Mô hình cần nhân rộng
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến 17h ngày 27-5, toàn thành phố đã có 40.849 người tham gia 8.669 “Tổ an toàn Covid-19” tại 2.659 doanh nghiệp. Riêng tại các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có 362 doanh nghiệp thành lập 2.008 “Tổ an toàn Covid-19”. Đáng chú ý, 66 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở cũng đã thành lập, kích hoạt 196 “Tổ an toàn Covid-19”. Các quận, huyện tích cực triển khai mô hình là: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín…
Đáng lưu ý, vừa ra đời nhưng “Tổ an toàn Covid-19” tại doanh nghiệp thuộc các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hoạt động rất đều tay, xứng đáng là tấm lá chắn bảo vệ người lao động. Chia sẻ rõ hơn về hoạt động của “Tổ an toàn Covid-19”, chị Phạm Thị Tuyết Minh, nhân viên Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) cho biết, đặc thù của công ty, nhất là bộ phận sản xuất rất đông nhân lực, do đó “Tổ an toàn Covid-19” đã tham mưu bố trí lịch nghỉ luân phiên cho người lao động. Trong quá trình làm việc, tổ không những yêu cầu thực hiện nghiêm quy định phòng dịch mà còn bố trí cồn, dung dịch sát khuẩn tay tại nhiều vị trí trong xưởng; phân chia giờ ăn ca cho người lao động bảo đảm giãn cách.
Tương tự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội (huyện Mê Linh) Nguyễn Đức Nhân cho biết, Công đoàn công ty đã tham mưu với Ban Giám đốc thành lập 12 “Tổ an toàn Covid-19” gồm 47 thành viên. Vì chính người lao động là thành viên của tổ nên họ có trách nhiệm và chú tâm hơn trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, “Tổ an toàn Covid-19” còn hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan chức năng truy vết F1, F2 và các trường hợp khẩn cấp khi trong doanh nghiệp có người phải cách ly. Hằng ngày, các tổ lập danh sách những nhóm đối tượng có nguy cơ, những người về từ khu vực có ổ dịch để sẵn sàng truy vết khi cần thiết...
Từ thành công bước đầu của Hà Nội, mô hình “Tổ an toàn Covid-19” đang được một số tỉnh, thành phố quan tâm học hỏi. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, tổ chức công đoàn sẽ chú ý tới chính sách đãi ngộ, chăm lo, bảo vệ, bảo đảm an toàn trước hết cho thành viên “Tổ an toàn Covid-19”, đồng thời nhân rộng mô hình này, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.