Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi đàn ông Việt Nam uống gần 30 lít cồn nguyên chất/năm

Theo Thanh Hằng/CAND| 23/01/2017 09:48

Chỉ trong vòng một tuần qua, đã có 4 người tử vong do sử dụng rượu tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.


Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, dù chưa vào thời gian cao điểm của dịp nghỉ Tết, con số bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông (TNGT) đã tăng 20%, trong đó, hơn 80% liên quan đến rượu bia.

Công bố mới nhất của Bộ Y tế cho biết, trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới đã tăng từ 69,6% lên 80,3%. Trong đó, 44,2% sử dụng rượu bia ở mức nguy hại và 47,9% điều khiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu bia. Điều đáng lưu ý là thời gian qua, “phái đẹp” cũng sử dụng rượu bia ngày càng nhiều, chiếm tới 17%.

Uống rượu bia đang phổ biến ở giới trẻ và tuổi uống đang trẻ hóa. Đặc biệt, Việt Nam hiện giữ một “kỷ lục” không vinh quang gì khi đã trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bia đứng đầu các nước ASEAN, xếp thứ 3 châu Á. Mỗi đàn ông Việt Nam tiêu thụ trung bình 27,4 lít cồn nguyên chất/năm.


Uống rượu bia đang phổ biến ở giới trẻ và tuổi uống đang trẻ hóa.


Theo báo cáo Tổng quan Y tế 2015, Việt Nam chi bình quân hơn 3 tỷ USD/năm (khoảng 1,8% GDP) cho việc uống bia, bằng gần 3% thu ngân sách cả nước và cao gấp 4 lần mức đóng góp ngân sách của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát hàng năm (khoảng 800 triệu USD/năm).

Ths. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, có tới 57,72% hộ gia đình Việt Nam tiêu dùng rượu bia thường xuyên. Đặc biệt, những hộ giàu và có học vấn cao lại dùng nhiều rượu bia hơn, ngược lại với các nước phát triển.

Hộ càng giàu thì chi tiêu cho rượu bia càng nhiều. Trung bình hộ nghèo chi 452.000đ/năm cho tiêu dùng rượu bia và hộ giàu chi 2.315.000đ/năm cho tiêu dùng rượu bia. Chi trung bình cho rượu bia là khoảng 16.372 tỷ đồng/năm/toàn quốc - số tiền đủ mua 1,77 triệu tấn gạo để nuôi sống gần 21 triệu người/năm.

Vào những ngày giáp Tết, khi số người sử dụng rượu đang tăng cao, nhắc về những hậu quả của rượu là hoàn toàn cần thiết. Theo Viện nghiên cứu phòng chống ung thư - Bệnh viện K, chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị 6 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có 5 bệnh có liên quan đến sử dụng rượu bia là ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú, lên tới 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012. Gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên các gia đình (42,4%), bảo hiểm y tế (27,7%) và chính phủ (17,1%).

Ông Nguyễn Phương Nam (chuyên gia của WHO ở Việt Nam) cho hay, một nghiên cứu của WHO tại Việt Nam trên 18.412 nạn nhân TNGT nhập viện, có tới 36% người đi xe máy và 66.8% lái xe ô tô có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép.

Nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu bia cho thấy, 97% là nam giới và 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép. Đa số là tai nạn nghiêm trọng, khi có tới 68% nạn nhân chỉ sống được chưa đầy 30 phút sau tai nạn. Thiệt hại do TNGT liên quan tới rượu bia tại Việt Nam là khoảng 1 tỉ USD.

Kết quả của Điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam cũng cho thấy 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ 1 tuần trở lên.

Ths. Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết: Uống rượu ở mức độ nào cũng có nguy cơ gây ung thư. Uống càng nhiều nguy cơ càng tăng. Sự phát triển của ung thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2-15 năm, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu.

Là người đã từng điều trị cho rất nhiều “tín đồ” của “ma men”, BS. Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho hay: Mỗi năm, có khoảng 500 bệnh nhân nhập viện điều trị các rối loạn tâm thần khá nặng do rượu, trong đó, gần 80% số người bị rối loạn giấc ngủ, 45% bị rối loạn trí nhớ và 27% bị trầm cảm. Bên cạnh việc điều trị các rối loạn tâm thần, bệnh nhân còn phải điều trị nhiều bệnh kèm theo như gan, mật, tim mạch, dạ dày vv… với chi phí điều trị khoảng 1 triệu/ngày.

Nhiều người bị ảo giác, luôn lo lắng, hoặc hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị truy hại, dẫn đến tấn công người vợ, hàng xóm, đồng nghiệp. Hoang tưởng do rượu đang có xu hướng gia tăng thời gian gần đây. Trầm cảm do rượu khiến bệnh nhân luôn hằn học, cáu bẳn, không ổn định, rối loạn giấc ngủ, tình dục.

Không chỉ chính người sử dụng rượu bia bị ảnh hưởng của “ma men”, mà những người xung quanh họ cũng chịu nhiều tác động. Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng chỉ ra: có tới 30% vụ gây rối trật tự xã hội và gần 40% số vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân từ rượu bia.

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Viện Chiến lược & Chính sách y tế, rượu bia làm gia tăng bất bình đẳng. Phụ nữ chịu ảnh hưởng lớn nhất nhất từ người uống rượu bia là người thân trong gia đình cao gấp 7 lần so với nam giới. Nhiều phụ nữ bị bạo hành, thậm chí bị chồng giết do say rượu. Người có trình độ học vấn thấp có xu hướng chịu ảnh hưởng bởi người uống nhiều rượu bia hơn người có trình độ học vấn cao (từ cấp 3 trở lên) tới 1,7 lần.

Thực trạng đau lòng do sử dụng rượu bia, đặc biệt là “kỷ lục” đáng xấu hổ về sử dụng rượu bia của Việt Nam rõ ràng là một vấn đề cần phải quan tâm để chấm dứt. Đó không chỉ là để tránh cho người sử dụng rượu bia mắc phải bệnh tật hiểm nghèo, mà còn giúp cho những người xung quanh không phải chịu những hậu quả đáng tiếc do những người say rượu gây ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỗi đàn ông Việt Nam uống gần 30 lít cồn nguyên chất/năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.