(HNMO) - Đây là thông tin được nêu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh” do Cổng thông tin điện tử chính phủ vừa tổ chức, tại Hà Nội.
Từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất, nhưng tiến độ vẫn chậm. Đến nay, mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước, đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn khi cổ phần hóa, bảo đảm minh bạch, nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn; một số bộ, ngành, địa phương gặp vướng mắc trong thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thời điểm này đánh giá chậm là chưa thỏa đáng. Kinh nghiệm cho thấy, 3 năm đầu thường chậm, nhưng 2 năm cuối sẽ rất nhanh, nên doanh nghiệp cần có quá trình chuẩn bị. Hơn nữa, việc cổ phần hóa không thể tiến hành nhanh do những thay đổi về pháp lý...
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, khâu chuẩn bị cổ phần hóa rất quan trọng, nên không chỉ các doanh nghiệp có quyết định cổ phần hóa mới cần chuẩn bị, mà các doanh nghiệp khác cũng cần chuẩn bị cho việc cổ phần hóa. Quy định mới là công ty tư vấn không bị hạn chế là công ty trong nước hay nước ngoài sẽ góp phần giúp việc định giá doanh nghiệp cổ phần hóa chính xác hơn, mang lại nguồn lợi cho ngân sách... Nếu các doanh nghiệp đều tuân thủ pháp luật, tiến trình cổ phần hóa sẽ được rút ngắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.