(HNMCT) - Bên cạnh nỗ lực của các đơn vị xuất bản, sách Việt vươn ra thế giới còn nhờ sự cố gắng tự thân của một số tác giả. Không chỉ chủ động kết nối, mở rộng quan hệ với các đơn vị xuất bản nước ngoài, có những nhà văn viết trực tiếp bằng tiếng Anh và tìm cách xuất bản ở nước ngoài, mở thêm một cánh cửa để văn học Việt đến với bạn đọc thế giới.
Văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm tốt, gây tiếng vang, thậm chí được những giải thưởng văn học uy tín. Tuy nhiên, con đường để sách Việt - mà ở đây cụ thể là tác phẩm văn học - được dịch, xuất bản và phát hành ở thị trường thế giới còn khá hạn chế. Nhìn lại, quanh quẩn sách Việt được xuất bản ở nước ngoài người ta thường nhắc tới Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn, Thuận... với số lượng tác phẩm hạn chế.
Lý giải về nguyên nhân, nhà văn Kiều Bích Hậu phân tích: “Một trong những lý do, đó là chúng ta thiếu dịch giả. Người Việt Nam đi du học nhiều, và nhiều người trong số họ trở thành dịch giả, nhưng hầu hết dịch xuôi (do quá trình học tập ở nước ngoài, thông thạo ngôn ngữ, thẩm thấu vẻ đẹp văn hóa, văn học ở nước đó, nên họ dịch tác phẩm nước ngoài, giới thiệu cho độc giả Việt Nam). Ngược lại, người nước ngoài du học tại Việt Nam rất ít nên có ít dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt. Ta tự dịch ngược thì thiếu tự tin, vì vẫn dựa vào từ điển là chính, không tư duy bằng tiếng nước ngoài, ngôn ngữ ấy chưa là máu thịt. Điều này quả thực là một thiệt thòi lớn cho đội ngũ nhà văn Việt Nam, khi sức lan tỏa tác phẩm không vượt qua biên giới”.
Một trong những bất lợi của hầu hết các nhà văn Việt Nam là ngoại ngữ. Hai trường hợp nhà văn Hồ Anh Thái, nhà thơ Mai Văn Phấn đều biết ít nhất một ngôn ngữ thông dụng trong giao dịch quốc tế, đó là ngôn ngữ Anh. Chính vì vậy, nhà văn Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn, và sau này là Nguyễn Phan Quế Mai, Di Li có thể đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài, tiếp cận lượng bạn đọc hoàn toàn khác, là vì các nhà văn đó có thể dùng ngoại ngữ để liên tục kết nối với bạn văn quốc tế, và từ họ, biết được “lối đi” đến các nhà xuất bản nước ngoài.
Thực ra, cơ hội xuất bản ở nước ngoài luôn có. Nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng, mỗi nhà văn phải tự thân vận động, hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc này để đặt mục tiêu và tiến tới mục tiêu.
Tất nhiên, việc tự tìm đường, tự mở đường cho mình không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng có thể làm được. Bởi như đã nói, yếu tố quan trọng nhất là ngoại ngữ thì hầu hết các nhà văn Việt Nam đều thiếu và yếu. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc ngồi một chỗ chờ đợi. Trong thời hội nhập, sự chủ động của các nhà văn là yếu tố mang tính quyết định.
Thời gian qua, một thế hệ cây bút mới đã xuất hiện. Họ không chỉ có ngoại ngữ để giao lưu, kết nối nhằm đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc ở nước ngoài, mà thậm chí còn chủ động viết sách bằng tiếng Anh và kết nối với các đơn vị xuất bản nước ngoài. Tiêu biểu cho xu hướng này có thể kể tới Kiều Bích Hậu và Nguyễn Phan Quế Mai. Nếu Nguyễn Phan Quế Mai gây sự chú ý với tiểu thuyết “The Mountains Sing” (tạm dịch: “Những ngọn núi ngân vang”) thì Kiều Bích Hậu có “The Unknown” ("Ẩn số").
Có thể nói, sau nhiều thập niên bạn đọc nước ngoài biết đến văn chương Việt với những cái tên Vũ Trọng Phụng, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Mai Văn Phấn... qua bản dịch của nhiều dịch giả nước ngoài, thì nay đã có thể đọc trực tiếp tiểu thuyết, tập thơ của các nhà văn Việt Nam khi họ viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Đây có thế nói là một bước chuyển đáng ghi nhận của văn chương Việt.
Theo nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, bạn đọc quốc tế hầu như chỉ biết về Việt Nam qua các sách về chiến tranh. “Qua tiểu thuyết “Những ngọn núi ngân vang”, tôi muốn khắc họa nên hình ảnh của một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa bao gồm truyền thống văn học (kể cả văn học dân gian). Dù phải đi qua rất nhiều thảm kịch, nhưng niềm tin và hy vọng vào tương lai, vào lòng tốt con người là những ngọn đuốc sưởi ấm cho các nhân vật trong tiểu thuyết, giúp họ vượt qua nhiều vực thẳm của bóng đêm" - Nguyễn Phan Quế Mai nói.
Còn nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng, khi viết tác phẩm bằng tiếng Anh, chị đã tiết kiệm được thời gian, kinh phí, và quan trọng là ý tưởng cũng như cảm xúc nguyên vẹn. Theo chị, khi viết bằng tiếng Anh, dù vẫn nguyên liệu đó, nhưng cách thể hiện được quốc tế hóa sẽ dễ đến với bạn đọc thế giới hơn.
Tuy nhiên, để sách Việt nói chung và văn chương Việt nói riêng có thể đến với độc giả thế giới, vẫn cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của nhiều bộ, ngành. Bản thân Hội Nhà văn Việt Nam cũng cần có sự kết nối, hợp tác để đẩy mạnh quảng bá tác phẩm văn chương Việt Nam có chất lượng. Nhưng vấn đề căn cốt khác cũng cần đặt ra, đó chính là nội dung của các tác phẩm, liệu đã chạm được vào mối quan tâm của cộng đồng đọc sách thế giới hay chưa. Đó là vấn đề quan trọng mà mỗi tác giả, mỗi nhà văn cần phải lắng nghe và trả lời thấu đáo một khi có mong muốn đưa tác phẩm của mình vươn ra thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.