(HNM) - Việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cửa hàng trên địa bàn quận Tây Hồ.Ảnh: Thu Trang |
Gỡ nút thắt thiếu lực lượng thanh tra
Từ năm 2015, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường. Là một địa bàn rộng, tập trung đông các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhưng sau khi được lựa chọn để triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ở tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước, huy động thêm nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. Mặt khác, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.
Dẫn chứng cho đánh giá trên, theo ông Trần Thanh Long, ngay trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), quận Nam Từ Liêm thành lập 14 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có 4 đoàn tuyến quận và 10 đoàn tuyến phường. Ngoài ra, quận đã thành lập thêm các đoàn kiểm tra chuyên ngành tại 2 phường được tham gia thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Nhờ lực lượng thanh tra được tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Do đó, chỉ trong 1 tháng, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiểm tra được 416 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 31 cơ sở với số tiền phạt là 205 triệu đồng.
Thế nhưng với những quận chưa triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm như quận Tây Hồ thì công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận tập trung 1.869 cơ sở thực phẩm. Ý thức tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở nhỏ lẻ chưa cao. Chỉ khi có sự xuất hiện của đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, các cơ sở này mới nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng đi khỏi, họ lại tái vi phạm. Thậm chí, khi đoàn kiểm tra ra quyết định xử phạt vẫn có những cá nhân, tổ chức chống đối.
"Hiện quận cố gắng thực hiện kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong địa bàn mỗi năm một lần. Nhưng do lực lượng cán bộ kiểm tra còn mỏng nên rất khó để triển khai. Mong rằng, tới đây khi triển khai thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn quận và tại tất cả các phường, lực lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra được tăng cường, hiệu quả kiểm tra cũng được nâng lên", ông Phạm Xuân Tài cho hay.
Thành phố hiện đã tổ chức các lớp đào tạo cho khoảng 2.700 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác tập huấn đã truyền tải được những nội dung cơ bản và cần thiết để thực hiện một cuộc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở. Dù vậy, điều lo ngại nhất là một số cán bộ có thể áp dụng một cách máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu những kiến thức về quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dẫn đến khi phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm thì xử phạt chưa đúng; hay do chưa nắm chắc nghiệp vụ nên không dám phạt vì sợ bị khiếu nại.
Không chỉ kiểm tra trên giấy...
Ngoài việc đào tạo cấp chứng chỉ cho lực lượng công chức, viên chức các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, từ nay đến ngày 5-7, thành phố cũng tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 450 người và tập huấn các kỹ năng thanh tra cho hơn 1.000 người.
Ông Trần Văn Chung đề nghị, các địa phương cần phải có những hoạt động thanh tra, kiểm tra thực tiễn hơn, không dừng lại ở việc kiểm tra giấy phép mà phải kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, xét nghiệm các chất tồn dư trong thực phẩm, kiểm tra quá trình thực hành các quy định an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến thực phẩm… Mặt khác, tập trung kiểm soát thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thức ăn nhanh, dịch vụ ăn uống khu vực du lịch, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lưu ý, khi hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa thanh tra cấp trên với cấp cơ sở để tránh chồng chéo. Với mô hình sản xuất, kinh doanh khác nhau tại nội thành và ngoại thành, cũng phải có những cách thức tiến hành thanh tra, kiểm tra khác nhau.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Chung cho rằng, để tránh sự chồng chéo, lạm quyền trong quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phải giám sát và kiểm tra hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng cấp cơ sở để đánh giá chất lượng và có sự điều chỉnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.