Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng tầm ảnh hưởng

Đình Hiệp| 11/02/2015 06:28

(HNM) - Đích thân Tổng thống Ai Cập Abdel Fattal Al-Sisi ra tận sân bay quốc tế ở thủ đô Cairo đón Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhiều tuyến phố ở thủ đô Cairo chào đón nhà lãnh đạo xứ Bạch dương bằng những tấm ảnh cỡ lớn treo dọc hai bên đường. Một bầu không khí thân mật phần nào cho thấy

Tổng thống Nga V.Putin thăm Ai Cập.



Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông chủ điện Kremlin tới Ai Cập trong một thập kỷ qua - sau chuyến thăm năm 2005 khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak còn tại vị. Với một chương trình nghị sự dày đặc, chuyến công du được kỳ vọng sẽ tạo cú hích nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước thông qua các thỏa thuận hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực… Trên tinh thần đó, cuộc hội đàm cấp cao tại thủ đô Cairo lần này được hai bên tập trung bàn thảo về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời hai bên dành nhiều thời gian thảo luận về việc Nga giúp Ai Cập xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vốn bị trì hoãn từ nhiều năm qua và cải tạo hàng chục cơ sở công nghiệp có từ thời Liên Xô trước đây. Hai bên cũng đề cập tới kế hoạch Nga tham gia xây dựng một khu công nghiệp trong khuôn khổ dự án phát triển hành lang Kênh đào Suez và dự án thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Âu - Á và Ai Cập.

Chuyến công du của Tổng thống V.Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Ai Cập ngày càng trở nên gần gũi. Thiện chí xích lại gần nhau giữa hai quốc gia từng một thời có mối quan hệ thân thiết được thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao của hai bên thời gian qua. Vào tháng 8-2014, tân Tổng thống A.Al-Sisi đã tới Nga sau thời gian nhậm chức không lâu. Ngay sau đó, Mátxcơva và Cairo đã đạt được thỏa thuận ban đầu về mua bán vũ khí trị giá 3 tỷ USD, theo đó Nga sẽ cung cấp cho Ai Cập tên lửa và máy bay chiến đấu. Trong năm 2014, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,5 tỷ USD và có thể cao hơn trong những năm tiếp theo khi nhiều tập đoàn năng lượng - nhiên liệu, hóa học, sản xuất ô tô của Nga hướng sự quan tâm đặc biệt đến thị trường quốc gia Bắc Phi.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới Arab, Ai Cập được đánh giá là một bạn hàng tiềm năng cho các sản phẩm của Nga. Quan trọng hơn, với vị thế là một quốc gia "có tiếng nói" trong khu vực, Ai Cập là một trong những cánh cửa giúp Mátxcơva khôi phục vị thế và mở rộng không gian ảnh hưởng tại Trung Đông và Bắc Phi. Đối với người dân Ai Cập, dấu ấn Nga vẫn hiện diện tại quốc gia này với nhiều công trình như đập thủy điện Aswan, các nhà máy dệt, nhà máy luyện kim và nhiều cơ sở công nghiệp nặng khác. Chính quyền Ai Cập đặc biệt đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với tiến trình chuyển tiếp chính trị cũng như cuộc chiến chống khủng bố hiện nay tại nước này khi Nga là quốc gia đầu tiên ngoài khối Arab ủng hộ chính quyền của Tổng thống A.Al-Sisi. Cairo cũng tìm thấy quan điểm tương đồng với Mátxcơva về các vấn đề khu vực, trong đó có việc ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Được nhìn nhận là một đồng minh thân cận của Mỹ trong thế giới Arab, nhưng quan hệ này đang phai nhạt sau các biến cố chính trị tại quốc gia Bắc Phi. Trong đó Mỹ đã thể hiện sự không đồng tình với cách thức nắm quyền của Tổng thống A.Al-Sisi. Và việc Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho xứ Kim tự tháp đã tạo thêm khoảng cách giữa hai quốc gia vốn có sự liên kết chặt chẽ. Trong bối cảnh của một thế giới đầy biến động, quan hệ Nga và phương Tây không ngừng leo thang xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, chuyến công du của Tổng thống V.Putin được xem như một nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng cả về mặt ngoại giao và kinh tế với một đối tác xưa cũ tại khu vực chiến lược vẫn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng tầm ảnh hưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.