(HNM) - Hà Nội hiện có 5.000ha rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm héc ta trồng rau hữu cơ. Đi đôi với sản xuất rau an toàn hiệu quả, Hà Nội đang nỗ lực mở rộng kênh tiêu thụ rau an toàn.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, nên nhiều gia đình đã chú trọng tìm, lựa chọn các đơn vị cung ứng rau an toàn, uy tín để mua. Chị Trần Thu Hằng (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) chia sẻ, để được sử dụng những sản phẩm thật sự an toàn, gia đình thường xuyên vào các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi mua, bởi tin tưởng ở những nơi này, hàng hóa đã qua kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng.
Trước nhu cầu sử dụng nông sản sạch ngày càng tăng của người dân Thủ đô, bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi kinh doanh mặt hàng này, một số doanh nghiệp mở cửa hàng phân phối và bán sản phẩm rau sạch tới tận khu dân cư. Điển hình như: Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam, chuỗi cửa hàng Bác Tôm… với lượng hàng dồi dào, nhiều chủng loại, sản phẩm bảo đảm chất lượng, được bao gói, dán tem mác, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Toàn thành phố hiện có 35 chuỗi tiêu thụ rau an toàn với 208 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng trung bình 42 tấn/ngày, tăng mạnh so với các năm trước. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, nhằm đẩy mạnh và hỗ trợ việc tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn, huyện đã chủ động liên hệ, hướng dẫn các xã, hợp tác xã và hộ sản xuất ký kết hợp đồng liên kết với các tập đoàn, các doanh nghiệp… để bao tiêu sản phẩm theo chuỗi cao hơn giá thị trường khoảng 10-15%. Ngoài ra, huyện chỉ đạo mỗi xã khảo sát, lựa chọn 1-2 vị trí quy hoạch làm điểm trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn của huyện, vừa phục vụ tiêu dùng tại chỗ, vừa cung ứng cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện… Hiện có 40% tổng sản lượng rau an toàn của huyện được tiêu thụ ổn định qua hợp đồng, tăng 10% so với năm 2018.
Tương tự, tại huyện Gia Lâm, số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau an toàn đã tăng từ 7 doanh nghiệp (năm 2016), đến nay lên 16 doanh nghiệp; lượng rau an toàn tiêu thụ qua hợp đồng từ 3 tấn/ngày (năm 2016), đến nay 16 tấn/ngày. Hay như các huyện: Sóc Sơn, Phúc Thọ… việc tiêu thụ rau an toàn cũng có tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, so với nguồn cung, việc tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố cần được đẩy mạnh hơn nữa. Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, phần lớn sản phẩm rau an toàn được phân phối qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Trong khi đó, việc thiếu các điểm bán sản phẩm rau an toàn, chưa quảng bá giới thiệu sản phẩm khiến người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất chưa gặp được nhau...
Ở góc độ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiêu thụ rau an toàn, ông Trần Mạnh Chiến, chủ chuỗi cửa hàng nông sản sạch Bác Tôm chia sẻ: Việc sản xuất, kinh doanh rau an toàn nói riêng và nông sản an toàn theo chuỗi nói chung, cần nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, giá thành còn cao... gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, thành phố cần hỗ trợ thêm trong kết nối sản xuất, phân phối, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm sạch... để tạo niềm tin trong tiêu dùng.
Với vai trò quản lý, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, diện tích trồng rau an toàn, rau hữu cơ trên địa bàn thành phố tăng mạnh, chất lượng nâng lên rõ rệt. Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu thành phố có thêm cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo hướng hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau an toàn; tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình, gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.