(HNM) - Sau hơn 3 năm thi hành, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Mong muốn của cơ quan soạn thảo là sửa đổi luật để Kiểm toán Nhà nước xứng đáng là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước tối cao.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước sẽ được trình tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. Một trong những đề xuất sửa đổi quan trọng và được quan tâm nhất hiện nay là đối tượng của kiểm toán. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề xuất kiểm toán cả "người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công".
Các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Ảnh: HẢI NINH |
Theo cơ quan soạn thảo, Hiến pháp 2013 xác định, đối tượng của Kiểm toán Nhà nước là "việc quản lý, sử dụng, tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công". Đề xuất sửa đổi luật chỉ quy định cụ thể cho phù hợp với Hiến pháp. Trên thực tế, nhiệm vụ thu của cơ quan thuế (bao gồm nghĩa vụ của người nộp thuế), cũng là đối tượng cần kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước nêu lên một số ví dụ, năm 2016, sau khi đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nộp ngân sách tăng thêm hơn 2.060 tỷ đồng. Năm 2017, đối chiếu 2.497 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Kiểm toán Nhà nước phát hiện 94% trường hợp có sai phạm. Năm 2018, qua đối chiếu thuế gần 3.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cũng xác định số tiền nộp ngân sách tăng thêm hơn 1.684 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ hơn 3.341 tỷ đồng.
Nêu quan điểm, một đồng của Nhà nước cũng cần phải được kiểm toán, luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) lưu ý, tình trạng trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được một phần các doanh nghiệp nộp thuế. Do đó, đề xuất nêu trên là hợp lý, giúp Kiểm toán Nhà nước sẽ soi đến từng ngõ ngách sâu xa nhất của nền kinh tế, thực hiện việc kiểm toán thu ngân sách (thu thuế) chứ không chỉ thực hiện đối chiếu thuế như hiện nay.
Bàn về nội dung này, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam khẳng định, tất cả các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ với việc tập trung và huy động nguồn lực cho tài chính công, tài sản công đều là đối tượng của Kiểm toán Nhà nước. Chẳng hạn như người nộp thuế, phí, người có nghĩa vụ thanh toán, chi trả hàng hóa, dịch vụ công...
Trong khi đó, dù đồng tình với quan điểm mở rộng hoạt động kiểm toán, song Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ lưu ý, việc mở rộng phạm vi hoạt động liên quan đến thay đổi, bổ sung tổ chức, bộ máy đến đâu là vấn đề phải xem xét, đánh giá để không làm phình bộ máy, nhân sự, nhất là trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay.
Trên thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán còn cho thấy nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu; số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không được các đơn vị thực hiện còn cao, làm thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.
Vì vậy, theo luật sư Cao Minh Vượng, nếu đề xuất mở rộng phạm vi kiểm toán được Quốc hội thông qua, thì cần bổ sung quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhưng không nên giao cho Kiểm toán Nhà nước mà giao cho cơ quan có thẩm quyền khác.
Qua đó giúp hiệu lực của các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không dừng lại ở đôn đốc, nhắc nhở, để Kiểm toán Nhà nước thực sự là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước tối cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.