(HNM) - Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi (NCT) là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đã được quy định rõ trong các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội và được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã đến lúc mở rộng diện hưởng trợ cấp xã hội đối với người từ 75 đến 80 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu hoặc BHXH, cũng như cần có cách tính nâng mức trợ cấp cho phù hợp.
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Trạm y tế phường Yết Kiêu (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền |
Bà Nguyễn Thị Cây (75 tuổi, ở Thôn 5, xã Ba Trại, huyện Ba Vì) có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng mất sớm, đứa con trai duy nhất đi phiêu bạt nhiều năm không có tin tức, bà Cây phải thuê một diện tích nhỏ để vừa ở vừa kinh doanh hàng tạp hóa nuôi sống bản thân. Cùng ở Thôn 5 có ông Bạch Công Quỳ (75 tuổi) mắc nhiều bệnh tật, rất mong được nhận trợ cấp xã hội. Trưởng ban đại diện Hội NCT huyện Ba Vì Vũ Ngọc Uyên cho biết, toàn huyện có 5.000-6.000 người ở độ tuổi 75-80, trong đó có nhiều người không có lương hưu, mắc nhiều bệnh, rất cần được trợ cấp xã hội. Đã nhiều lần, Ban đại diện Hội NCT huyện đã kiến nghị về việc hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 hoặc có giải pháp hỗ trợ cho NCT không có lương hưu…
Không riêng huyện Ba Vì, nhiều quận, huyện, thị xã đã nêu kiến nghị này. Trưởng ban đại diện Hội NCT huyện Gia Lâm Nguyễn Xuân Lành cho biết, Gia Lâm có khoảng 6.000 người độ tuổi từ 75 đến 80 rất cần được hưởng trợ cấp xã hội, bảo đảm an sinh. Ông cho rằng, ở độ tuổi này, NCT không còn đủ sức khỏe để lao động bảo đảm cho cuộc sống của mình. Những người không được con cái hỗ trợ, không có lương hưu hoặc BHXH sẽ rất khó sống ổn định.
Theo kết quả khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, năm 2012 có 68,4% số người thuộc nhóm tuổi 70-79 sức yếu, mắc nhiều bệnh và tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi. Điều này cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe đối với nhóm NCT là rất cần thiết; chi phí chăm sóc sức khỏe của NCT cũng tăng cao so với các nhóm tuổi khác. Sức yếu là lý do chính để NCT không thể làm việc, tự tạo được thu nhập bảo đảm cuộc sống của bản thân. Do vậy, rất cần nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đưa ra các giải pháp hỗ trợ NCT thuộc nhóm tuổi 75-80 chưa được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Ngọc Toản cũng đồng tình cho rằng, ở độ tuổi 75 trở lên, hầu hết NCT không còn khả năng lao động, thường bị bệnh tật, ốm đau và đã ở độ tuổi cao hơn đáng kể so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước. Vì vậy, rất cần hạ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội đối với NCT xuống 75 tuổi.
Luật Người cao tuổi, các chương trình hành động quốc gia về NCT và nhiều văn bản đã nêu rõ mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất của NCT; hoàn thiện chính sách trợ giúp và bảo trợ xã hội hướng tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho NCT; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ và cơ sở chăm sóc NCT... Vì vậy, đã đến lúc mở rộng diện hưởng trợ cấp xã hội đối với người từ 75 đến 80 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu hoặc BHXH, nâng mức trợ cấp lên 500 nghìn đồng/tháng/người. Ngoài ra, rất cần có chiến lược tổng thể nhằm bảo đảm an toàn thu nhập cho NCT, bao gồm hệ thống lương hưu và phúc lợi cho NCT... Trước mắt, cần chú trọng hơn việc chăm sóc NCT vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực tự chăm sóc bản thân, tuyên truyền về phương pháp phòng bệnh, tập huấn kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho NCT…
Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước với mức trợ cấp cho NCT không có lương hưu, BHXH là 350.000 đồng/tháng, cao hơn so với mức trợ cấp 270.000 đồng/tháng mới được triển khai áp dụng đối với NCT nghèo từ ngày 1-1-2015 trên cả nước. Trong 5 năm từ 2011 đến 2016, Hà Nội đã thực hiện chế độ trợ cấp xã hội cho 346.158 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và BHXH, cấp thẻ BHYT cho 631.402 NCT. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.