(HNMCT) - Ở Việt Nam, do đặc điểm lịch sử, có nhiều tư liệu về chính chúng ta lại nằm ở nước ngoài, trong thư khố Trung Quốc, Pháp, Hoa Kỳ... Công nghệ số đã và đang làm cầu nối đưa độc giả tiếp cận với nhiều đầu sách về Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp.
Thư viện số Hoa phượng vỹ (nằm trong Thư viện Quốc gia Pháp - Bibliothèque nationale de France) đã ra đời với mục đích mang đến cho công chúng nguồn tư liệu số hóa song ngữ Pháp - Việt. Đây là một phần trong dự án “Di sản chung” giữa Thư viện Quốc gia Pháp với nhiều nước trên thế giới. Với khả năng lưu trữ vĩnh viễn, truy cập toàn cầu, Thư viện số Hoa phượng vỹ là cầu nối trực tiếp đến Thư viện Quốc gia Pháp, nơi đang lưu trữ hàng vạn đầu sách, tư liệu, bản đồ, hiện vật về Việt Nam, Đông Dương, Đông Á.
Để có được những thành tựu mới, đóng góp mới trong nghiên cứu khoa học, cần có phương pháp mới và tư liệu mới. Có thể nói, với Thư viện số Hoa phượng vỹ, các tài liệu về Việt Nam bằng tiếng Việt, bằng tiếng Pháp, hứa hẹn mở ra góc nhìn rộng rãi, sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về Việt Nam, Đông Dương, Đông Á.
Đánh giá về tầm quan trọng và ý nghĩa của sự hợp tác này, ngài Michel Espagne, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho rằng: “Lịch sử nước Pháp đan xen với lịch sử Việt Nam, có những điểm khác nhau nhưng cũng có những tương đồng, chính điều đó dẫn dắt chúng ta bước đi trên con đường tìm kiếm cứ liệu. Sự dồi dào, phong phú của cứ liệu văn bản gợi mở khám phá mới bởi nó chính là minh chứng của một không gian chung, trong đó việc sử dụng bảng chữ cái La-tinh để viết tiếng Việt đã làm nổi bật những điểm hội tụ.
Trái ngược với tư tưởng khôi phục chỉ xoay quanh các thực thể khép kín, các mối liên kết cố định một lần và mãi mãi, Thư viện Hoa phượng vỹ là một minh chứng cho tính phì nhiêu của các cuộc gặp gỡ dù chỉ tập trung vào giai đoạn từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Bởi có ký ức về nước Pháp trong Việt Nam thì đồng thời cũng có ký ức về Việt Nam trong nước Pháp”. Với phổ thời gian của tư liệu như vậy, những ghi chép, hiện vật tại Thư viện số Hoa phượng vỹ kết nối những khoảng cách không gian rất xa, không chỉ của Việt Nam mà còn giữa Việt Nam và Pháp.
Về mặt cấu trúc, Thư viện số Hoa phượng vỹ nổi bật bởi tư duy liên ngành trong cách xây dựng các thư mục tra cứu, bao gồm: Lưu chuyển - Truyền thống - Tư tưởng - Văn học - Chuyển giao văn hóa - Các triều đại và chính quyền - Khoa học và xã hội - Đời sống kinh tế. Các mục chính này đều do các chuyên gia đầu ngành giới thiệu và dẫn nhập. Tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra sự bình đẳng trong các dẫn nhập này từ góc độ chuyên gia. Nghĩa là, không có phân biệt hai nền học thuật hay chính trị, ưu tiên hướng đến sự hữu ích tối đa cho người tiếp cận tư liệu, thông tin. Mỗi mục lại được phân chia thành các tiểu mục theo nhóm tài liệu. Ví dụ, mục Văn học có Văn học Hán Nôm - Văn học quốc ngữ - Văn học Pháp ngữ - Văn học dịch. Đi sâu vào từng tiểu mục, chúng ta sẽ thấy rất nhiều vấn đề liên quan đến Việt Nam - Đông Dương, gợi mở suy nghĩ về lịch sử - chính trị - văn hóa - kinh tế - xã hội trên vùng đất này.
Với phương thức tra cứu trực tuyến tại địa chỉ https://heritage.bnf.fr, qua nguồn tư liệu dồi dào được số hóa, có thể nói như lời Giám đốc Michel Espagne rằng, sự hợp tác này đã “mở ra một chương mới” trong nghiên cứu về Việt Nam và Đông Dương.
Niềm hân hoan của việc tiếp cận được một nguồn tư liệu quý giá về dân tộc mình, ở đây, giống như khi chúng ta bước lên một chuyến tàu đến những vùng đất mới. Vẫn là đất nước của ta, nhưng các câu chuyện cũ còn lưu trong các tư liệu, hiện vật tại Thư viện Quốc gia Pháp (được xem là nơi lưu giữ tư liệu lớn nhất về Việt Nam và Đông Dương) là một cơ hội không thể tốt hơn cho việc phục hoạt diện mạo của Việt Nam trong quá khứ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.