Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở phiên tòa xét xử nhóm lừa đảo xuất khẩu lao động sau 2 lần trì hoãn

Chu Dũng| 12/07/2022 12:02

(HNMO) - Ngày 12-7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Tuấn Hùng (sinh năm 1969; trú ở phường 12, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Minh Thanh (sinh năm 1972; ở xã Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), Đinh Thị Hạnh (sinh năm 1954; ở thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị cáo tại tòa.

Đầu năm 2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm, nhưng đã trả hồ sơ yêu cầu để điều tra bổ sung đối với hành vi của Đinh Thị Hạnh. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng làm rõ, Hạnh đồng phạm với bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng chiếm đoạt số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Giữa tháng 6-2022, phiên tòa một lần nữa bị hoãn vì lý do khách quan.

Tiến hành xét xử lần này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội làm rõ, năm 2013, Nguyễn Tuấn Hùng từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội làm việc tại công ty bảo hiểm thuộc một tập đoàn kinh tế lớn. Qua các mối quan hệ xã hội, Hùng quen biết Thanh và Đinh Thị Vân (chưa rõ nhân thân lai lịch), có văn phòng tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động.

Những lần tiếp xúc với Vân, Hùng biết thêm thông tin về thị trường lao động, tiền lương, thủ tục, chi phí làm hồ sơ xuất khẩu lao động tại Australia, nên nảy sinh ý định lừa đảo. Thời gian sau, Hùng nói với Thanh là có bác ruột đang làm trang trại trồng nho tại Australia, có khả năng bảo lãnh 10-15 người sang làm việc với mức lương 3.200-3.800 USD/tháng, chi phí 11.300-17.000 USD/người. Nếu Thanh tuyển được người thì sẽ được nhận hoa hồng 1.000-2.000 USD/người.

Mặc dù biết rõ Hùng không có giấy phép xuất khẩu lao động, nhưng Thanh vẫn đồng ý tìm người có nhu cầu xuất ngoại làm việc. Khoảng giữa năm 2015, Thanh quen biết Đinh Thị Hạnh (Phó Giám đốc Công ty Công Hạnh) nên đã giới thiệu cho Hùng. Tin tưởng Hùng nên Hạnh đã tuyển dụng được 5 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Hạnh chuyển hồ sơ và số tiền 479 triệu đồng cho Hùng. Vài ngày sau, Hùng đưa cho Hạnh 5 thư mời của trang trại Australia và giấy thông báo cấp thị thực của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để "làm tin". Thanh và Hạnh cũng mua vé máy bay và chi phí cho 5 người trên vào thành phố Hồ Chí Minh khám sức khỏe nhưng rồi bỏ bẵng. Sau đó, Hạnh còn tiếp tục tuyển thêm 5 hồ sơ khác, thu số tiền 58.000 USD. Những người này đều được đưa vào thành phố Hồ Chí Minh khám sức khỏe, chờ đợi mà không được sang Australia nên đã tự về nhà.

Cùng thời gian này, Thanh vẫn đăng lên Facebook để nhận tuyển người có nhu cầu xuất khẩu lao động tại Australia. Thanh nhận và thu tiền của 4 người khác số tiền 66.000 USD.

Do chờ đợi nhiều ngày mà không được đi xuất khẩu lao động theo cam kết và lại thấy Hùng, Thanh, Hạnh tránh mặt, nên những người này đã có đơn trình báo cơ quan công an đề nghị giải quyết. Ngày 3-11-2018, Hùng đến cơ quan công an xin đầu thú, Thanh bỏ trốn đến tháng 7-2020 thì bị bắt theo lệnh truy nã.

Với thủ đoạn nêu trên, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền hơn 4,9 tỷ đồng của 14 người có nhu cầu xuất khẩu lao động.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của Hùng và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải áp dụng hình phạt tù tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội mà các bị cáo gây ra.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Nguyễn Tuấn Hùng 16 năm tù, Nguyễn Minh Thanh 14 năm tù và Đinh Thị Hạnh 10 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở phiên tòa xét xử nhóm lừa đảo xuất khẩu lao động sau 2 lần trì hoãn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.