(HNM) - Kể từ sân chơi đầu tiên hoàn thiện tháng 7-2014 đến nay, nhóm dự án Nghĩ về sân chơi cho trẻ - Think playground (TPG) đã hoàn thành hơn 20 sân chơi lớn, nhỏ trong thành phố, chưa kể những công trình phối hợp, hỗ trợ phát triển ý tưởng cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo...
Thiệt thòi của trẻ em thành phố…
Nói về những thiệt thòi của trẻ em thành phố thời nay, Chu Kim Đức, một trong những người sáng lập TPG, phác họa bằng một so sánh: "Có thể bây giờ các bạn nhỏ giàu có hơn thế hệ chúng mình với những món đồ chơi công nghệ nhưng chắc chắn thua xa về không gian vận động, trò chơi dân gian, cảm hứng sáng tạo, cơ hội gắn kết bạn bè... Trẻ em thời nay, đến cái vỉa hè để chơi cũng còn chẳng có nữa…!".
Sân chơi cho trẻ em tại khu tập thể Bộ Thủy sản, phố Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình. |
Cái vỉa hè trước cửa nhà, dăm ba mét vuông, không ngờ có một ngày, lại trở thành "một trời thương nhớ" với cả nhóm bạn TPG cũng như bao thế hệ sinh ra và lớn lên ở thành phố, những người đã từng được hưởng thụ không gian chật hẹp nhưng đầy cảm xúc này. "Này nhé, nó đã từng là sân khấu cho bọn mình múa hát, diễn kịch, là nơi chơi chuyền, chơi ô ăn quan, nhảy ngựa…, vui không sao tả nổi!" - Kim Đức hồi tưởng rồi lo lắng: "Nhưng những trò chơi ấy đang có nguy cơ "tuyệt chủng" bởi bọn trẻ bây giờ chẳng còn mấy đứa biết đến nữa. Tại sao? Vì đời sống thay đổi, người lớn lúc nào cũng bận rộn, hối hả, không gian vui chơi của trẻ đang ngày một co cụm dần. Chỗ chơi vẫn còn nhưng trẻ phải trả phí và tất nhiên không phải muốn chơi lúc nào cũng được vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian nhàn rỗi của cha mẹ. Tan học về, trẻ chỉ còn biết vồ lấy điện thoại, máy tính bảng, những món đồ, càng sử dụng càng khiến đầu óc mụ mị, thị lực giảm sút… Biết vậy nhưng đâu dễ thay đổi".
Ngay cả với Kim Đức, ngày hai buổi đi về trên con đường thành phố, thấy tiếc nhớ không gian chạy nhảy, nô đùa khi xưa, thương cho lũ trẻ bây giờ nhưng cũng chỉ biết để trong lòng. Chỉ đến khi, cô ngẫu nhiên gặp rồi thân với một người nước ngoài, bà Judith Hansen, một người có nguyện vọng tặng thiết bị vui chơi ngoài trời cho trẻ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, ý tưởng tạo dựng sân chơi cho trẻ em thành phố mới hình thành trong cô. Kim Đức kể: "Bọn mình ngồi lại cùng nhau, đặt câu hỏi: Vì sao một người xa lạ với thành phố này vẫn nặng lòng với quyền được vui chơi của trẻ nơi đây, còn mình thì không? Giành lại sân chơi cho trẻ có khó không? Khó đến đâu? Giải quyết thế nào?... Từng đó câu hỏi được bọn mình cắt nghĩa, giải quyết… để rồi chỉ trong một thời gian ngắn, TPG ra đời, với ăm ắp ý tưởng cho mục đích duy nhất là làm sao tạo dựng được thật nhiều không gian vui chơi miễn phí cho trẻ nhỏ, vì một lý do đơn giản là trẻ cần được nuôi dưỡng tâm hồn".
"Cuộc chiến" giành sân chơi cho trẻ
Chỉ sau một tháng lên ý tưởng, nhóm TPG triển khai sân chơi đầu tiên tại bãi giữa Sông Hồng với một tổ hợp thiết bị được tận dụng từ những đồ dùng cũ hỏng, vật liệu tái chế…, do chính các bạn thiết kế. Đối tượng mở hàng cho dự án, không ai khác, chính là nhóm trẻ nghèo ven sông, những cô bé, cậu bé gần như "trắng tay" với những trò chơi con trẻ. Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, nhớ lại: "Khi biết nhóm định tạo không gian chơi cho trẻ nhỏ, người dân ở đây ngờ vực, hỏi đi, hỏi lại: "Không phải trả chi phí gì thật chứ?". Đến khi hiểu mục đích của nhóm, họ đã thực sự hào hứng, nhiều người hăng hái tham gia hỗ trợ san nền, đào hố, lắp đặt thiết bị chơi… Sau này, về thăm lại sân chơi đầu tiên ấy, chúng mình rất xúc động vì thấy sản phẩm đầu tay của nhóm vẫn được trẻ em nơi đây đón nhận. Đó là nguồn động viên cho TPG tiếp tục hành trình nghĩ về sân chơi cho trẻ."
Thành công từ sân chơi đầu tiên không chỉ giúp TPG thêm vững tin vào việc mình làm mà còn tạo nên ấn tượng tốt đẹp, điều gần như ngay lập tức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đơn "đặt hàng" thiết kế sân chơi, những đề nghị hỗ trợ vốn, đơn đăng ký làm cộng tác viên… dồn dập tìm đến như một lời khẳng định: Ý nguyện của TPG, ở một mức độ nào đó, đã tác động tới những suy tính, băn khoăn bấy lâu của cư dân thành phố. Những người trẻ từng phải học cách làm đồ chơi qua mạng, đã từng bước có sản phẩm của riêng mình, những món đồ phù hợp với điều kiện vui chơi, vận động của trẻ em Việt Nam bảo đảm tính hấp dẫn mà vẫn giữ được mức an toàn.
Thế nhưng, họ cũng gặp không ít vấn đề. Trở ngại lớn nhất với "Nghĩ về sân chơi cho trẻ" là việc làm sao thuyết phục cộng đồng chấp thuận cho nhóm tặng sân chơi, đặc biệt là những nơi dân cư đông đúc, quà tặng dễ trở thành trở ngại cho những tiện ích của một vài cá nhân, tập thể. "Những phản đối kiểu này chúng mình gặp suốt" - Quốc Đạt cười: "Thậm chí cả khi có thư mời, thì vẫn có một, hai cá nhân cản trở, mà lý do thì nhiều vô kể. Những lúc như vậy, nhóm chỉ còn cách phối hợp với đại diện khu dân cư kiên trì vận động, thuyết phục. Có trường hợp thành công, có trường hợp phải tạm hoãn. Có cả việc lắp đặt rồi mà vẫn phải dỡ bỏ đi… Đó thực sự là "cuộc chiến" giành chỗ chơi cho trẻ chứ không đơn giản!".
Khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận, căng thẳng về cộng tác viên bởi người đăng ký thì nhiều nhưng không phải ai cũng phù hợp với công việc đòi hỏi tay nghề, chuyên môn như thế này... Rồi việc đăng ký thương hiệu, bản quyền sản phẩm cũng khiến các bạn trẻ đau đầu bởi đây là chất xám của cả nhóm nhưng để sở hữu giấy chứng nhận bản quyền, như Kim Đức mong muốn thì sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, vốn để dành cho công tác xã hội. Cô lo lắng: "Hiện trên mạng, đã có địa chỉ kinh doanh đồ chơi lấy tên giống với TPG, chuyên cung cấp đồ chơi thiết kế, trong đó không ít sản phẩm chẳng khác đồ chơi của nhóm mình sáng chế. Đây không chỉ là vấn đề sản phẩm trí tuệ của nhóm bị lợi dụng, mà còn có thể dẫn đến nguy cơ bị tố ngược lại. Thế nên, dù khó khăn tới đâu, chúng mình cũng phải tính đến chuyện đăng ký thương hiệu, dẫu nhóm hoạt động không vì mục đích thương mại".
Cách đây một tuần, một nhóm bạn trẻ lại lên đường tới huyện miền núi Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái để lắp đặt thiết bị sân chơi miễn phí cho trẻ em một bản nghèo heo hút. Vẫn với phương châm tiết kiệm tối đa, nhóm bạn đi xe khách, dẫu xe chật như nêm phải ngồi bó gối. Trên chuyến xe bít bùng và sóng điện thoại phập phù được - mất, Trưởng nhóm Quỳnh Anh (sinh viên năm cuối Đại học Xây dựng) nói như gào lên trong điện thoại: "Khổ nhưng vui cực! Không phải ai cũng được trải nghiệm những chuyến đi ý nghĩa như chúng em thế này đâu!". Cô hứa hẹn, khi về lại Hà Nội, sẽ kể tiếp những chuyện còn ấp ủ trong lòng. Dẫu không được cùng trải nghiệm, nhưng nghe giọng cười và những câu chuyện, tôi tin ai cũng cảm nhận được phần nào niềm hạnh phúc của những bạn trẻ này, những người đang góp sức tạo không gian nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.