(HNM) - Bằng sức người và tinh thần lao động cần cù, những nông dân ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã cải tạo mảnh đất heo hút, cằn khô dưới chân núi Bé trở nên tràn đầy sức sống. Mồ hồi, công sức của họ giờ đã được đền đáp bằng những mùa trái ngọt…
Sự sống nảy mầm từ mảnh đất cằn
Từ xa xưa, nhiều thế hệ người Nam Phương Tiến vẫn gọi vùng đất dưới chân núi Bé là nơi "chó ăn đá gà ăn sỏi", trồng lúa không được, trồng màu thì chết khô. Do địa hình dốc nên mỗi khi mưa, nước từ trên núi đổ xuống là lại rửa trôi một lớp đất màu. Trải qua năm tháng, những bãi đá sỏi cứ thế trơ ra, để lại một vùng rộng hàng chục héc ta cằn cỗi, người dân loay hoay không biết trồng cây gì để được thu hoạch, có lúc họ phải bỏ đất hoang cho cỏ dại mọc. Chia sẻ về những ký ức đầy gian khó, cựu chiến binh Nguyễn Thiện Tuấn cho biết, hồi năm 2006 khi bắt tay vào cải tạo đất để trồng bưởi Diễn, nhiều người tỏ ra hoài nghi. Thậm chí ngay bản thân một cựu chiến binh như ông Tuấn cũng có nhiều băn khoăn, với hàng loạt câu hỏi đặt ra vì "khu đất vừa xa, vừa xấu, trồng cây gì cũng kém năng suất, giờ trồng bưởi Diễn, kén đất, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc mức độ cao, liệu có hiệu quả hay không?”.
Anh Phùng Văn Hà ở xã Nam Phương Tiến bọc giấy ni lông cho trái bưởi Diễn. |
Tập trung cho dự án táo bạo trồng bưởi Diễn trên khu đất cằn khô núi Bé, các cấp chính quyền ở huyện Chương Mỹ và xã Nam Phương Tiến đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp về phân tích chất đất để bảo đảm chắc chắn trước người dân rằng, "trồng bưởi sẽ đạt kết quả trong tương lai". Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Huy Phong hồi tưởng: "Khi đó lãnh đạo xã phải "đánh cược" trước người dân về sự thành công của dự án. Chúng tôi có niềm tin như vậy là xuất phát từ kết quả thẩm định khách quan, khoa học của các chuyên gia trong quá trình phân tích địa chất và khí hậu ở khu vực". Giờ đây, Chủ tịch xã Nguyễn Huy Phong và những cộng sự đã có thể "thở phào...", vì những "lời hứa" cách đây hơn 8 năm đã và đang trở thành hiện thực.
Căn cứ để khẳng định kết quả này chính là "bức tranh" tràn đầy sức sống dưới chân núi Bé hôm nay. Con đường độc đạo lên vùng trồng bưởi trước kia hoang vu giờ được bê tông hóa rộng rãi, khang trang. Dọc hai bên đường, màu xanh cây bưởi trải đến chân núi. Một ấn tượng mạnh với chúng tôi khi lạc vào vựa bưởi núi Bé là rất khó khăn để tìm được đường ra. Từ đường chính, các đường nhánh rộng từ 2,5 đến 3m được quy hoạch đồng bộ, theo kiểu "xương cá" tỏa ra hai bên và tiếp tục được nối với nhau theo từng ô thửa. Chạy song song với đường giao thông là hệ thống điện lưới và kênh mương thủy lợi được kéo đến từng gia đình. Ông Nguyễn Thiện Tuấn cho biết: "Khó khăn ban đầu với chúng tôi đã tạm qua. Những lứa quả ngọt đầu tiên đã bắt đầu cho thu hái, khẳng định chính quyền và nhân dân Nam Phương Tiến đã đi đúng hướng". Vườn bưởi của ông Tuấn có 150 gốc, năm 2012 đã cho hái lứa đầu tiên với tổng thu 20 triệu đồng, sang năm 2013, lượng quả đậu lớn hơn (bình quân 30 quả/cây), lợi nhuận tăng lên 60 triệu đồng. Theo ông Tuấn, bưởi Diễn ở khu vực này cho chất lượng quả tốt, tròn, múi đều, tép vàng, ăn ngọt và thơm. Theo ông Tuấn thì bưởi Diễn tôm vàng hợp với đồng đất đồi gò Nam Phương Tiến. Qua hơn 8 năm, cây bưởi phát triển tốt, tỷ lệ cây chết khi mới trồng rất thấp, nhiều hộ đạt 100% cây sống. "Đáng nói là thân cây phát triển rắn chắc, dáng khỏe, lại không bị sâu bệnh, nhiều chuyên gia và những người có kinh nghiệm lâu năm về cây bưởi về thăm đều dự báo thời gian thu hoạch có thể kéo dài đến 30 năm, thậm chí lâu hơn nữa". - Ông Tuấn nói thêm.
Mở hướng làm giàu từ… bưởi Diễn
Chàng trai trẻ Phùng Văn Hà sau nhiều năm bôn ba với đủ loại công việc khác nhau, đã nhận thấy bưởi Diễn chính là "cây làm giàu". Tuy nhiên, do gia đình ít khẩu nên chỉ có trong tay vỏn vẹn hơn 1 sào đất để trồng bưởi, Hà nghĩ, "với diện tích như thế này thì chẳng thấm tháp vào đâu nếu muốn làm ăn lớn". Suy đi tính lại, một cơ may đã đến khi Hà nhận thấy, khu vực quanh vườn nhà mình, có nhiều hộ trồng bưởi nhưng do diện tích nhỏ, nhà ở xa thiếu chăm sóc và bảo vệ nên cây bưởi phát triển không hiệu quả. Hà đã mạnh dạn đến từng gia đình, đặt vấn đề đấu thầu cả đất và cây trên đất. Qua thời gian dài thuyết phục, Hà gom được 1ha với 500 gốc bưởi, tiền thuê thầu 1,5 triệu đồng/ sào/năm. Nói về thành công bước đầu này, Phùng Văn Hà tự tin khẳng định: "Ngay từ khi đi đến các hộ gia đình để thuê đất em đã nhận thấy những điểm bất lợi của họ lại chính là thế mạnh của em. Em có niềm đam mê, có kỹ thuật chăm sóc và quan trọng nhất là dốc toàn lực vào cây bưởi, vì thế em tin mình sẽ thành công".
Trong cùng thời gian này, Hà đã tốt nghiệp hệ tại chức Đại học Lâm nghiệp. Hà nói: "Làm kinh tế bây giờ phải có kiến thức, nhất là sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao thì càng cần phải hiểu mới mong đạt thành công". Hà cho biết đã đầu tư vào vườn 100 triệu đồng, trong đó một nửa là đi vay mượn bạn bè, người thân. Sắp tới, Hà dự định tiếp tục đầu tư khoảng 40 triệu đồng làm hàng rào dây sắt, chòi canh để tiện bề bảo vệ khi bưởi đã đồng loạt vào vụ kết trái đầu tiên, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 5.000 quả. Ở thời điểm này, Hà đã bắt đầu bọc giấy ni lông cho trái bưởi để bảo vệ ruồi vàng châm, chống rám nắng và chống nấm, bảo đảm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. "Từ giờ đến khi thu hoạch em phải ăn, ngủ, nghỉ ở vườn bưởi để vừa chăm sóc và bảo vệ. Mẹ em năm nay đã 75 tuổi nên cũng không giúp được nhiều, một mình phải tự lo hết”.
Một tính toán sơ bộ của những nông dân nơi đây cho thấy, nếu đem tổng giá trị thu nhập đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha ở thời điểm này so với thời điểm trước khi chưa trồng bưởi thì hơn "một trời một vực". Anh Lê Văn Lanh, cán bộ HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến cho biết, cùng với việc tiếp tục mở rộng diện tích và số lượng gốc bưởi, người dân và chính quyền địa phương đang xúc tiến các bước để tiến tới xây dựng thương hiệu bưởi núi Bé với chất lượng bưởi sạch, an toàn. Xã đang phối hợp với các ngành chức năng triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất quả an toàn. Ở giữa vùng bưởi, một nhà sơ chế khang trang, hiện đại, rộng đến nghìn mét vuông đã được xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động ngay trong vụ bưởi năm nay.
Chủ tịch xã Nguyễn Huy Phong nhận định: "Khó khăn mới chỉ qua bước đầu nhưng kết quả lớn nhất chúng tôi làm được là đã đặt được niềm tin ở người dân". Diện tích trồng bưởi giờ đã tăng lên gần 100ha, dự kiến đến năm 2015, Nam Phương Tiến sẽ hình thành vùng trồng bưởi Diễn lớn nhất huyện với tổng diện tích 200ha. Đánh giá về thành công của cây bưởi ở Nam Phương Tiến, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám nhận định, một dải đất kéo dài từ thị trấn Xuân Mai đi Nam Phương Tiến xuống đến xã Trần Phú đã, đang chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trong đó đóng vai trò đầu tàu là cây bưởi Diễn. Như vậy, thành công bước đầu của cây bưởi ở Nam Phương Tiến cho thấy, những người dân ở đây đã, đang mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân vùng đất đồi gò huyện Chương Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.