Du lịch

Nâng tầm thương hiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội

Hoàng Lân 11/07/2023 - 12:45

Nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau...

Tiềm năng nhiều, khai thác hạn chế

3(1).jpg
Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thành sản phẩm mũi nhọn, chuyên biệt thu hút du khách. Ảnh minh họa.

Sáng 11-7, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.

Đánh giá tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn để trở thành sản phẩm chuyên biệt, đặc trưng cho Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: UBND thành phố đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4-3-2022 về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Hơn một năm qua, các sở, ngành, địa phương đã có các chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thành phố có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

Thành phố đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm; điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng (Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) cho rằng, Hà Nội có lợi thế lớn khi du lịch kết hợp với xây dựng nông thôn mới và đã hình thành được nhiều điểm du lịch ở nông thôn như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp như: Trang trại Dê Trắng, trang trại Đồng Quê Ba Vì (huyện Ba Vì). Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều làng nghề nổi tiếng có sức hút với du khách.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng, nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển nông thôn cho rằng, nhiều điểm du lịch chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng.

4(1).jpg
Hội thảo khoa học "Đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Giải pháp thiết thực

Du lịch nông nghiệp, nông thôn được xem là môt trong những sản phẩm du lịch có thể trở thành mũi nhọn, tạo được sản phẩm chuyên biệt cho Thủ đô để thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Từ việc nhận diện tiềm năng cũng như những khó khăn, vướng mắc, các chuyên gia cùng “hiến kế” nhiều giải pháp để có thể phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Đại diện cho địa phương được định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho rằng, cần rà soát các hộ, cơ sở có diện tích chuyên canh lớn, sản phẩm đã công nhận OCOP hoặc nhãn hiệu tập thể để khuyến khích đáp ứng các tiêu chí công nhận sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Với vai trò sáng lập và quản lý trang trại Đồng Quê (Ba Vì), một trong những mô hình điểm thành công trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh đánh giá, điều quan trọng là cần phát triển du lịch gắn kết với điều kiện thiên nhiên và làng nghề của các địa phương để thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.

1(2).jpg
Nhiều địa phương đã có mô hình điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh minh họa

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Phượng, cần có chính sách nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; bảo đảm công tác an ninh, an toàn cho du khách.

Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina Tạ Hữu Chiến đề xuất, cần có sự kết nối giữa ngành Du lịch và Giáo dục để đẩy mạnh du lịch học đường trải nghiệm tại các vùng nông thôn, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, hội nghị là cơ sở để Sở Du lịch nhận diện và đánh giá một cách tổng quát tiềm năng và cách thức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nôi. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ báo cáo và đề xuất UBND thành phố triển khai mở rộng thêm nhiều mô hình điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương, từ đó phát triển loại hình du lịch này bài bản và chuyên nghiệp hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm thương hiệu du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.