(HNMO) - Ngày 7-6, tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh), Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung vụ xuân 2022.
Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tại hội nghị cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội hiện nay mới tập trung chủ yếu khâu làm đất (chiếm gần 100% diện tích) và khâu thu hoạch (chiếm trên 85% diện tích); với khâu gieo, cấy, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vẫn còn thấp, mới đạt trên 3% diện tích. Trong khi đó, lực lượng lao động chính của nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác nên vào thời vụ gieo cấy lúa thường thiếu hụt lực lượng lao động, giá thuê nhân công cao gấp 1,5-2 lần so với lúc nông nhàn. Vì vậy, hiệu quả trong sản xuất lúa thấp, nhiều nơi nông dân không mặn mà với nghề trồng lúa, bỏ ruộng hoang để làm việc khác có thu nhập cao hơn.
Để khắc phục tình trạng trên, thành phố đang tập trung hỗ trợ, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, trong đó ưu tiên cơ giới hóa khâu gieo, cấy.
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển cơ giới hóa trong khâu gieo, cấy cùng với đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất, mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sản xuất.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung (trên 10ha/điểm mô hình trở lên) tại 7 xã thuộc 4 huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, quy mô 270ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp cấy truyền thống.
Bà Hoàng Thị Xinh ở thôn Hà Phong (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) chia sẻ: "Gia đình tôi cấy 8 sào ruộng, toàn bộ khâu cấy máy và giống lúa tôi "giao khoán", đặt hàng hoàn toàn với hợp tác xã nông nghiệp địa phương. Hợp tác xã chịu trách nhiệm lựa chọn giống tốt nhất cho nông dân, chúng tôi chỉ đồng hành cùng hợp tác xã ở các khâu theo dõi, chăm sóc, đến khi thu hoạch thì ở đầu bờ nhận lúa về phơi. Cả vụ sản xuất tôi chỉ mất tổng cộng 4 ngày công".
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Liên Hà (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Long chia sẻ, địa phương xây dựng thành công cánh đồng lớn với diện tích gần hơn 200ha nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, trong đó, thế mạnh là khâu mạ khay, cấy máy. Mặc dù xã Liên Hà phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhưng trên địa bàn không để ruộng hoang, hình thành nhiều mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao điển hình của thành phố.
Ông Lê Lưu Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và liên kết sản xuất đã lan tỏa tại nhiều địa phương. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ chi phí mạ khay, máy cấy; phân bón; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất mạ khay phục vụ máy cấy; kỹ thuật chăm sóc lúa cấy bằng máy. Thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy rất thuận tiện cho việc chăm sóc; lúa ít bị sâu bệnh.
Qua nhiều năm triển khai, mô hình mạ khay cấy máy tiếp tục khẳng định ưu thế vượt trội so với phương pháp canh tác lúa truyền thống, do đó, trong vụ mùa tới đây, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình tại các địa phương, làm cơ sở để nhân rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.