Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình thu gom, xử lý rác thải ở Phương Tú

Thu Hằng| 21/01/2011 07:24

(HNM) - Chỉ sau nửa năm thực hiện điểm mô hình


Xã Phương Tú nằm dọc hai bên trục đường 428A, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mấy năm gần đây, nghề mây, tre, giang đan, mộc, đặc biệt là dịch vụ sơ chế thực phẩm cung cấp cho thị trường Thủ đô ở Phương Tú rất phát triển, sơ chế từ 3.000 đến 5.000 con vịt mỗi ngày. Nghề phụ phát triển đã kéo theo lượng rác thải sinh hoạt và làng nghề ở đây ngày một tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo thống kê của UBND xã Phương Tú, mỗi ngày toàn xã thải ra 7,5 tấn rác, trong đó riêng rác do nghề phụ thải ra là 4,5 tấn/ngày, như vậy bình quân lượng rác thải của toàn xã một tháng là khoảng 200 tấn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Tú Nguyễn Văn Mịn cho biết: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, xã Phương Tú đã xây dựng quy định về bảo vệ môi trường, thành lập tổ thu gom rác thải ở các thôn... Tuy nhiên, do sự quản lý của địa phương còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho công tác này chưa thỏa đáng; đặc biệt là ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao, đại đa số người dân vẫn có thói quen vứt, đổ rác tùy tiện ra rìa làng, đường đi, nơi công cộng... khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Lượng rác thải quá lớn trong khi nhân lực, trang thiết bị phục vụ cho công tác vệ sinh môi trường hạn chế nên hằng ngày các tổ mới chỉ thu gom được 40% lượng rác thải, 60% còn lại vẫn tồn đọng trong khu dân cư, vừa mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.

Chất xúc tác hiệu quả

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, tháng 6-2010, Hội Nông dân TP Hà Nội đã lập dự án "Xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải trong sinh hoạt và làng nghề" và chọn xã Phương Tú là địa phương làm điểm. Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Vũ Thúy Lan cho biết: Việc đầu tiên dự án chọn để triển khai là tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dự án thông qua hệ thống đài truyền thanh xã và thông qua sinh hoạt các đoàn thể để nâng cao nhận thức cho nhân dân. Bên cạnh đó là tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ và sinh hoạt hằng ngày, hướng dẫn nông dân cách thu gom, phân loại rác thải. Với sự vào cuộc của Hội Nông dân xã Phương Tú, dự án đã thành lập được 6 đội thu gom rác ở 6 thôn với sự tham gia của gần 40 thành viên. Để các đội thu gom hoạt động tốt, Trung tâm còn hỗ trợ 17 chiếc xe chở rác chuyên dụng, 25 thùng đựng rác công cộng cho 6 thôn và tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các đội thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trưởng thôn Động Phí Nguyễn Đức Tính phấn khởi cho biết, từ khi triển khai dự án, ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường của người dân xã Phương Tú tốt hơn hẳn. Từ chỗ vứt, đổ rác tùy tiện ra đường làng, ngõ xóm, nay bà con đã đổ rác vào thùng, tập kết rác đúng giờ theo quy định. Đặc biệt, từ khi được cấp xe chở rác, việc thu gom rác thải tại xã đi vào nền nếp, các đội thu gom rác cũng đỡ vất vả hơn so với trước, hiệu quả công việc lại cao hơn rất nhiều nên ai cũng phấn khởi.

Cùng chung niềm phấn khởi ấy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Tú Nguyễn Văn Mịn nhận định, dự án "Xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải trong sinh hoạt và làng nghề" là chất xúc tác đối với công tác vệ sinh môi trường ở Phương Tú và là tiền đề xây dựng nông thôn mới. Từ khi triển khai dự án, 100% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã được thu gom về bãi rác ở các thôn. Tuy nhiên, hiện lượng rác này chưa được chuyển ra khỏi địa bàn xã mà chỉ xử lý tại thôn thông qua hình thức chôn lấp và đốt nên vẫn gây ô nhiễm môi trường. Ông Mịn cho rằng để công tác vệ sinh môi trường mang tính bền vững, xã vẫn cần nhận được sự quan tâm để đưa rác thải đến bãi rác tập trung của TP. Đối với thôn Động Phí (hiện có gần 20 hộ làm nghề sơ chế thịt vịt), mặc dù chất thải đã được thu gom nhưng lượng nước thải chưa được xử lý nên vẫn gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, huyện Ứng Hòa cần sớm có quy hoạch điểm giết mổ tập trung, có hệ thống xử lý nước và rác thải, đồng thời có chính sách thỏa đáng đối với những công nhân làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải. Hiện tại, với mức thù lao 800.000 đồng - 1.000.000 đồng/tháng/người không khuyến khích được lao động làm trong lĩnh vực nặng nhọc này.

Ngày nay, đi trên các tuyến đường làng, ngõ xóm của các thôn: Ngọc Động, Động Phí, Phí Trạch... không còn cảnh rác vứt bừa bãi, rác chồng chất, lưu cữu như trước nữa, đó là điều đáng phấn khởi. Tuy nhiên theo một số hộ dân nơi đây, về lâu dài công tác bảo vệ môi trường rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành từ thành phố tới cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình thu gom, xử lý rác thải ở Phương Tú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.