Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình thành công của nền giáo dục cách mạng

Khánh Vũ| 15/12/2014 06:09

(HNM) - Ngày 14-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Ban Liên lạc học sinh miền Nam trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm



Tới dự buổi lễ, về phía Trung ương có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cùng nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; về phía Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của TP Hà Nội. Buổi lễ có sự tham dự của hơn 600 người từng là thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên của hệ thống trường HSMN và gần 3 nghìn người đại diện cho hơn 32 nghìn cựu HSMN đang sống và làm việc trên cả nước.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Viết Thành


Hệ thống Trường HSMN hình thành sau Hiệp định Genèva, từ năm 1954 đến 1975, đã đón nhận, nuôi dạy hàng vạn con em các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam, đào tạo những "hạt giống đỏ" nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh. Hệ thống trường ban đầu được xây dựng tại Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, về sau tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nam, gồm các loại hình mẫu giáo, cấp 1, 2, 3 và bổ túc văn hóa. Trên địa bàn TP Hà Nội từng có các trường HSMN đặt cơ sở gồm: Trường Mầm non số 1 và số 2 ở Phương Trung - Thanh Oai; số 10 ở Phước Động - Thường Tín; số 12 ở Thanh Liệt - Thanh Trì; số 23 ở Vạn Phúc - Hà Đông; trường 21 ở Tây Tựu - Từ Liêm; các trường 24, 25, 26, 27 ở Chương Mỹ; đồng thời có gần 500 học sinh cấp 3 học ở các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An…

Tại thời điểm ấy, miền Bắc mới được giải phóng, nguồn lực vô cùng hạn chế nhưng Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử những thầy giáo, cô giáo vững vàng về chính trị, có chuyên môn giỏi, tâm huyết nhất và dành những điều kiện vật chất tốt nhất cho các trường HSMN. Tính đến năm 1975 đã có hơn 16.000 HSMN tốt nghiệp ĐH, CĐ và trung học chuyên nghiệp. Trên 4.000 học sinh học ĐH ở trong và ngoài nước. Rất nhiều HSMN đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Nhiều người đã anh dũng hy sinh. Khi đất nước thống nhất, phần lớn HSMN đã trở về xây dựng quê hương. Rất nhiều người đã trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể trung ương và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố, các tướng lĩnh Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các nhà giáo, nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ có tên tuổi…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chủ trương hình thành các trường miền Nam trên đất Bắc đã thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta, tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ, nhân tài. Giờ đây, khi thời gian đã lùi xa, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng, Trường HSMN trên đất Bắc là một trong những mô hình thành công nhất của nền giáo dục, đào tạo cách mạng nước ta. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, chiến tranh ác liệt nhưng trường vẫn có chất lượng giáo dục toàn diện, đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ đông đảo có chất lượng cao. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ những thành công của mô hình này để tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo; đồng thời bày tỏ mong muốn các thầy, cô giáo, các HSMN tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp cao cả này.

Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã bày tỏ sự vinh dự, vui mừng khi Hà Nội được phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, các trường HSMN trên đất Bắc là công việc có ý nghĩa to lớn mà Đảng, Bác Hồ đã khởi xướng. Ở đó không chỉ là tầm nhìn xa trông rộng, là nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm sâu nặng của Thủ đô Hà Nội, của đồng bào miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt, mà còn là cách thức tổ chức, bố trí cán bộ, giáo viên, là nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh, là sự thể hiện sinh động nhất chân lý "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình thành công của nền giáo dục cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.