(HNM) - Tết Nhâm Thìn 2012 vừa qua được chính quyền, bà con Thủ đô ghi nhận là đầy đủ, tiết kiệm, trong đó yếu tố bảo đảm chất lượng hàng hóa cũng như sự ổn định về giá cả là những thành công nổi bật nhất.
Thành phố (TP) đã chỉ đạo các sở, ngành, nhất là các doanh nghiệp (DN) vào cuộc với quyết tâm cao cùng nhiều biện pháp linh hoạt để bình ổn thị trường, trong đó có việc triển khai 9 trung tâm thương mại (TTTM) lưu động trên địa bàn…
Thành phố triển khai bán hàng tại các TTTM lưu động trong dịp Tết, đã giúp cho người dân ngoại thành tiếp cận với nhiều mặt hàng bình ổn giá. Ảnh: Đàm Duy
Ngay sau khi được sự chỉ đạo của TP, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức "Trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá" phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 trên địa bàn. Mục đích tổng quát của hoạt động này là kích thích sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn Thủ đô trong những tháng cuối năm cũng như phục vụ các dịp lễ, Tết; góp phần bình ổn giá cả, thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô; nâng cao, mở rộng hệ thống phân phối của các DN, quảng bá các sản phẩm, hàng Việt Nam chất lượng cao; bảo đảm hàng hóa đến với đông đảo người dân, với nhiều loại hàng hóa đa dạng về chủng loại, chất lượng, giá cả phù hợp... Qua sàng lọc, Sở đã "tuyển" 45 DN đủ tiềm lực tham gia làm nòng cốt trong việc cung ứng hành hóa thông qua 9 TTTM lưu động tại 9 quận, huyện, gồm Thạch Thất, Hoàng Mai, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Vì, Thanh Trì, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ. Quy mô trung bình 1.000-2.000m2/địa điểm, gồm cả khu làm việc của ban tổ chức, kho để hàng, khu để xe, vệ sinh, khu vực dành cho các hoạt động phụ trợ (khai mạc, biểu diễn nghệ thuật, tư vấn tiêu dùng...). Sau đó, hoạt động bán hàng đã diễn ra từ ngày 9 đến 18-1-2012 (tức ngày 16 đến 25-12 âm lịch) một cách suôn sẻ. Dư luận đánh giá cao về cách thức tổ chức có bài bản, thống nhất và nhanh nhạy, kết hợp chặt chẽ từ TP đến Sở Công thương cũng như toàn bộ DN tham gia. Trước hết, TP xác định mục tiêu đưa hàng về nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm hàng Tết nên đã yêu cầu DN tập trung bán các sản phẩm do DN trong nước sản xuất có chất lượng tốt và giá bán phải chăng. Đây là nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt và có tính nguyên tắc trong hoạt động của các TTTM, kết hợp giữa kinh doanh và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Các mặt hàng thiết yếu được cung cấp, gồm lương thực, thực phẩm chế biến, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, đồ điện - điện tử, đồ gia dụng, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, sản phẩm của làng nghề, đặc sản các vùng miền... Một số công tác hậu cần, hoạt động liên quan đã được TP hỗ trợ, hậu thuẫn để đợt bán hàng của các TTTM thành công. Đó là, TP hỗ trợ kinh phí về tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống truyền thanh các địa phương theo đề xuất của ban tổ chức; hỗ trợ chi phí mặt bằng, trang trí, lắp dựng gian hàng tiêu chuẩn và một phần chi phí vận chuyển; bảo đảm an ninh trật tự chung, vệ sinh, điện nước theo định mức. Như vậy, về nội dung, cách thức và điều kiện thực hiện đã được tính toán chu đáo cho sự thành công của các TTTM, bên cạnh mục tiêu cao nhất là đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm hàng Tết theo tiêu chí vui tươi, lành mạnh, đầy đủ cho người dân.
Theo đánh giá sơ bộ của Sở Công thương, đến nay có thể khẳng định hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao của 9 TTTM trong dịp Tết vừa qua. Đây là một hình thức khá mới, cho phép người dân từng địa phương tiếp cận với các nguồn hàng giá cả phải chăng, nhất là rõ ràng về xuất xứ và bảo đảm chất lượng. Việc đưa hàng về tận nơi luôn mang lại lợi ích cho hai bên cung và cầu. Theo đó, DN tận dụng được thời cơ sức mua tăng cao trên thị trường để đẩy mạnh việc bung hàng ra bán và thực tế cho thấy dịp Tết Nguyên đán luôn là "mùa gặt" của khối DN ngành phân phối bán lẻ. Không khí mua sắm đã diễn ra nhộn nhịp, thu hút người dân sở tại ngay từ đầu giờ sáng đến cuối chiều, tạo ra phấn khởi và trở thành một sự kiện điểm nhấn ở địa phương. Người ta đi xem hàng, chọn mua và cũng là để giao lưu, tư vấn cho nhau về những mặt hàng cần mua, nhãn hàng nào có uy tín. Hàng thì nhiều, lại đa dạng về chủng loại trong khi người đi mua cũng đủ mọi thành phần. Hình ảnh mua - bán sôi động và ai cũng thừa nhận hàng hóa phong phú, hình thức bắt mắt, với giá bán hợp túi tiền giới bình dân. Kết thúc đợt bán hàng, các TTTM nói trên đạt doanh thu khoảng 18 tỷ đồng. Song ý nghĩa thiết thực và lợi ích nhiều mặt của việc tổ chức TTTM lưu động còn lớn hơn nhiều bởi đây là dịp hoạt động giao thương lớn nhất trong năm nhưng cũng là để ủng hộ hàng trong nước, tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho cộng đồng DN. Đó cũng là một cách ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thiết nghĩ, mô hình TTTM lưu động đã thành công, để lại dấu ấn tốt và sự hưởng ứng của xã hội, nhất là đối với bà con ngoại thành nên cần được quan tâm và nhân rộng trong những dịp đón xuân sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.