Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình cần được nhân rộng

Mai Hữu| 11/08/2021 06:33

(HNM) - Vừa qua, quận Thanh Xuân đã triển khai mô hình vận động, hướng dẫn các hộ dân ở nhà tập thể cũ, nhà ống mở lối thoát hiểm thứ 2. Trong bối cảnh trên địa bàn Thủ đô xảy ra nhiều vụ cháy nổ, gây thiệt hại về người thời gian qua thì đây là mô hình đem lại hiệu quả, được thành phố Hà Nội, Bộ Công an đánh giá cao. Mô hình này cần tiếp tục được nhân rộng theo từng loại hình: Nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà tập thể cũ...

Một gia đình tại Khu tập thể H2A, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) đã mở lối thoát hiểm từ “chuồng cọp”.

50% “chuồng cọp” được mở lối thoát hiểm

Theo Công an quận Thanh Xuân, địa bàn quận có 16.130 căn hộ, nhà ở riêng lẻ người dân làm “chuồng cọp” để phòng, chống trộm cắp và tăng diện tích sử dụng. Trong khi đó, từ đầu năm 2021 đến nay, tại Hà Nội đã xảy ra không ít vụ cháy nhà ống, chung cư có “chuồng cọp” để lại thiệt hại nghiêm trọng. Đau lòng nhất là vụ cháy ngày 4-4-2021 tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) làm 4 người tử vong.

Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, nhận thức rõ hậu quả, thiệt hại nặng nề do cháy, nổ gây ra đối với nhà ống, nhà tập thể có “chuồng cọp”, Công an quận đã tham mưu với Quận ủy, UBND quận tổ chức tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ, mở cửa thoát nạn trên “chuồng cọp” và vận động người dân tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại gia đình. Sau thời gian thí điểm trên địa bàn hai phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam, kết quả đã có gần 70% trên tổng số 4.217 hộ gia đình có “chuồng cọp” đã tự mở lối thoát hiểm thứ 2...

Thiếu tá Mai Văn Đạo, Phó Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung thông tin, lực lượng Công an phường đi đến từng nhà để tư vấn các vị trí mở cửa thoát hiểm phù hợp và thuận tiện… Bà Trần Thị Sáu (nhà A3, khu tập thể Bộ Công an, phường Thanh Xuân Trung) cho hay, mô hình này được các gia đình trong khu tập thể đồng thuận, nhất trí cao. Sau khi mở lối thoát hiểm, người dân tiếp tục được hướng dẫn, tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn khi xảy ra cháy.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Trung Cường, đến nay trên toàn quận đã có hơn 8.000 “chuồng cọp” được mở cửa tạo lối thoát nạn (chiếm tỷ lệ 50%). Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, quận phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ đạt 100% các hộ gia đình có “chuồng cọp” được mở lối thoát hiểm thứ 2, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn.

Nhờ triển khai hiệu quả mô hình này, quận Thanh Xuân vừa qua đã được Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an gửi thư khen vì đã có cách làm hay trong thực hiện cao điểm của Bộ Công an về “Tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh”.

Bà Trần Thị Sáu (nhà A3, tổ dân phố số 9, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) là một trong những hộ đầu tiên “xung phong” mở cửa thoát hiểm từ “chuồng cọp”.

Nhân rộng mô hình phù hợp thực tế cơ sở

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội thực hiện mô hình mở cửa thoát hiểm thứ 2. Từ đầu năm 2018, nhà tập thể A12 (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) đã được Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 (Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội trước đây) chọn thí điểm mở cửa thoát hiểm tại “chuồng cọp”. Nhận thấy những lợi ích trước mắt và lâu dài, hầu hết các hộ dân sống trong nhà tập thể A12 đã mở cửa tại “chuồng cọp” để làm lối thoát nạn khi xảy ra cháy.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho rằng, việc áp dụng các mô hình phòng cháy, chữa cháy cần quan tâm đến tình hình thực tế tại cơ sở. Trong đó, một vấn đề quan trọng là tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân. Nhận thấy lợi ích từ việc chủ động phòng cháy, chữa cháy tại gia đình, người dân sẽ hợp tác cùng lực lượng chức năng.

Còn theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), việc triển khai, nhân rộng các mô hình phòng cháy, chữa cháy có hiệu quả cao, như mô hình đang triển khai tại quận Thanh Xuân, luôn được đơn vị quan tâm, chú trọng. Song, để sát thực với cơ sở, đơn vị sẽ phối hợp với Công an các địa phương kiểm tra, rà soát địa bàn để lựa chọn, triển khai mô hình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sao cho phù hợp, hiệu quả.

Trong khi đó, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm mô hình của Công an quận Thanh Xuân, Công an thành phố sẽ chỉ đạo Công an các địa phương nhân rộng mô hình phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, loại hình nhà. Đặc biệt, tập trung vào các loại hình có nguy cơ cao, thuộc quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy như: 3.291 nhà chung cư, nhà tập thể; 51.934 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình cần được nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.