(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp chặt với các cơ quan chức năng mở đợt kiểm tra trên diện rộng hoạt động kinh doanh đa cấp, từ đó nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm.
Với các vi phạm ngoài thẩm quyền, Cục Quản lý cạnh tranh cần phối hợp, kiến nghị với các đơn vị để xử lý triệt để theo đúng quy định. Đặc biệt, xem xét lại nghị định 42 để kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, tránh để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở thực hiện hành vi lừa đảo.
Thông tin với báo chí về việc lừa đảo của Công ty Liên kết Việt, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, theo nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các công ty bán hàng đa cấp khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định theo nghị định sẽ đăng ký tham gia kinh doanh theo hình thức này với Cục Quản lý cạnh tranh. Công ty Liên kết Việt được Sở Công thương Hà Nội cấp phép đăng ký hoạt động từ tháng 2-2014. Ngày 21-10-2014, Công ty này nộp hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng cấp tại Cục Quản lý cạnh tranh. Sau khi thẩm định hồ sơ, do Công ty Liên kết Việt đáp ứng được các quy định tại nghị định nên Cục Quản lý cạnh tranh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 006/QLCT-GCN cho Liên kết Việt vào ngày 22-12-2014.
Nhận thấy kinh doanh đa cấp là hình thức phức tạp, dễ xảy ra sai phạm, tháng 6-2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành kế hoạch kiểm tra một loạt công ty bán hàng đa cấp. Căn cứ vào kết quả điều tra, Cục đã chính thức xử phạt Liên kết Việt 570 triệu đồng cho 10 hành vi vi phạm như: không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm…
Sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc phối hợp giữa các cơ quan nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt lĩnh vực bán hàng đa cấp, đầu tháng 11-2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tê (C46, Bộ Công an) tiến hành kiểm tra Công ty Liên kết Việt. Trên cơ sở những sai phạm, C46 đã tiến hành bắt tạm giam một số lãnh đạo công ty này từ tháng 12-2015. Theo kết luận ban đầu của cơ quan cảnh sát điều tra, Công ty Liên kết Việt đã mượn mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Theo quy định của mô hình đa cấp, doanh nghiệp phải có hàng để bán nhưng công ty này chỉ thực hiện huy động tiền trong dân. Sự việc diễn ra tại 27 tỉnh, thành trên cả nước, cơ quan công an đã ủy thác điều tra cho công an các địa phương.
Về mô hình bán hàng đa cấp nói chung, ông Bạch Văn Mừng cho biết thêm, cả nước hiện có 66 công ty đang hoạt động, một nửa trong số đó là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với các sản phẩm là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các sản phẩm tiêu dùng khác. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, để giải quyết triệt để các sai phạm trong kinh doanh đa cấp, cần tăng thêm một số điều kiện để siết chặt hơn việc cấp phép kinh doanh đa cấp như tăng số vốn điều lệ, vốn ký quỹ…; tăng cường việc giám sát, kiểm tra ở các địa phương, đặc biệt là các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo của doanh nghiệp, đưa lên website danh mục các doanh nghiệp vi phạm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.