Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở cơ hội cho khoa học công nghệ

Tuấn Kiệt| 23/11/2012 05:46

(HNM) - Có lẽ những ai quan tâm đến nền khoa học công nghệ (KHCN) của nước nhà, cả những ai theo dõi phiên thảo luận về Luật KHCN sửa đổi tại Quốc hội hôm 20-11 vừa qua đều có chung điều trăn trở khi nghe gần như tất cả các ý kiến đều có cùng quan điểm đánh giá những khó khăn về cơ chế tài chính cho KHCN hiện nay.

Thực ra, từ rất lâu, hầu như ở mỗi diễn đàn, mỗi cuộc hội thảo, hay dư luận báo chí, hễ cứ nói về KHCN là người ta lại bàn nhiều đến "cơ chế tài chính" dành cho lĩnh vực này. Việt Nam dành 2% tổng chi ngân sách hằng năm (khoảng 9.000 - 10.000 tỷ đồng), chiếm gần 0,5% GDP, để phát triển KHCN. Con số ấy so với các nước phát triển có thể chưa lớn nhưng lại thuộc vào loại cao trong các quốc gia đang phát triển. Nhưng vì sao một lĩnh vực được xác định ưu tiên hàng đầu, được coi là "then chốt" cho sự phát triển của đất nước, rất được quan tâm đầu tư lại cứ phải vật lộn "xin cơ chế" như vậy, trong khi nền KHCN nước nhà thì vẫn đì đẹt không bứt phá lên được? Chúng ta đang có 1.600 tổ chức nghiên cứu, 2 viện lớn, 400 trung tâm của bộ, ngành; 40 trung tâm của các hội... nhưng chưa thấy sản phẩm nào có sức cạnh tranh cao. Trong năm 2011, Việt Nam không có đề tài khoa học nào đăng ký ở Mỹ; trong khi đó, với số dân 5 triệu người, Singapore có 647 bằng sáng chế đăng ký tại đây. Đây quả thật là một điều rất đáng suy nghĩ!

Những khó khăn về cơ chế tài chính như nói ở trên có lẽ cũng không cần phải bàn thêm nhiều vì thực chất từ lâu nó đã được các nhà khoa học, nhà quản lý mổ xẻ khá kỹ lưỡng, cơ bản gói gọn trong mấy điểm: Chính sách và nguồn lực đầu tư cho KHCN; hiệu quả sử dụng sáng chế trong KHCN, thu hút nhân tài phục vụ KHCN; những bất cập trong thực thi chính sách cũng như trách nhiệm của các bộ liên quan… Nhiều người cho rằng, cơ chế hiện nay đang "trói tay" các nhà khoa học. Không hẳn là chúng ta thiếu tiền đầu tư, cái chính là cách chi tiền và cách sử dụng đồng tiền ấy đang "có vấn đề". Trả lời chất vấn của Ủy ban KHCN của Quốc hội hồi tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân thừa nhận: Kinh phí sử dụng cho khoa học còn nhiều bất cập, ví dụ năm 2011 có tới 30% sử dụng không đúng mục đích. Đặc biệt, có tình trạng sử dụng sai mục đích trong KHCN chiếm đến 50% chi phí phân bổ cho địa phương, dẫn đến không kiểm soát được, đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao.

Vậy là nguyên nhân của vấn đề đã rõ, song tiếc là chúng ta lại cứ loay hoay trong việc lập bài toán để hóa giải nó. Đã đến lúc nhà nước phải quyết đáp một chính sách rành mạch, chú trọng nhu cầu của xã hội. Trước mắt, xúc tiến đơn giản hóa thủ tục, lược bớt các rào cản nhằm tạo một cơ chế về tài chính thông thoáng và thủ tục đơn giản cho các hoạt động nghiên cứu KHCN, có đề tài là có kinh phí. Điều này vừa tạo cơ hội để các nhà khoa học chớp được thời cơ thực hiện đề tài phù hợp với nhu cầu xã hội, giải phóng họ khỏi những vướng bận về kinh tế, đồng thời cũng tạo sự minh bạch, tránh những vòng vo, tiêu cực trong quá trình xin phê duyệt kinh phí. Đặc biệt, phải tính đến một giải pháp đột phá mạnh mẽ về cơ chế quản lý điều hành công tác nghiên cứu KHCN.

Muốn vậy, có lẽ cũng cần tính đến việc trao quyền cho các nhà khoa học, để họ có quyền lựa chọn, sở hữu kết quả nghiên cứu, có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp hoặc dùng kết quả đó góp cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp và hưởng lợi nhuận từ lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này vừa kích thích sáng tạo khoa học vừa tạo cơ sở "lôi kéo", huy động nguồn đầu tư cho KHCN từ các doanh nghiệp. Ước tính, chỉ cần huy động được 10% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đóng góp cho hoạt động KHCN, số tiền thu được sẽ lớn gấp hai lần số đầu tư từ ngân sách. Phải làm sao để 70% nguồn lực cho KHCN là từ xã hội và chỉ 30% từ Nhà nước. Nói như đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch thì xây dựng Luật KHCN cần "tạo là động lực như khoán 10", như Luật Doanh nghiệp năm 2000", chứ không chỉ là việc "bàn cách chia 2% ngân sách nhà nước". Chỉ có như vậy KHCN mới có cơ hội bứt phá...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở cơ hội cho khoa học công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.