(HNM) - Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của thị trường này gây nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế. Mới đây, Bộ Tài chính công bố 8/9 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có sai phạm sau khi kiểm tra. Hàng nghìn nhà đầu tư đã mua trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Tân Hoàng Minh thuộc 9 lô bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định hủy bỏ vẫn đang mòn mỏi chờ nhận lại tiền.
Những tồn tại, vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua chủ yếu do doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; phát hành ra công chúng nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ… Từ những bất cập trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp kể trên cho thấy cần sớm có khung pháp lý đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như chấn chỉnh, làm minh bạch thị trường.
Vì vậy, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16-9-2022 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, được coi như “đại lộ” mới, góp phần hoàn thiện khung pháp lý giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, bền vững.
Một số nguyên tắc cơ bản được đặt ra tại Nghị định số 65/NĐ-CP nhằm hướng doanh nghiệp tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp; bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục những bất cập của thị trường.
Sau những động thái chấn chỉnh của cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có thay đổi, khối lượng phát hành giảm nhưng trách nhiệm công bố thông tin, rà soát điều kiện phát hành được các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ tuân thủ đầy đủ hơn. Tuy nhiên, để phát triển thị trường bảo đảm an toàn, bền vững, cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường, tăng cường công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Trên cơ sở Nghị định số 65/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn giao dịch riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp; đào tạo nhà đầu tư có đầy đủ kiến thức, năng lực tài chính khi tham gia thị trường. Về phía các tổ chức trung gian thị trường, như công ty chứng khoán, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá, yêu cầu đặt ra là nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản trị khi cung cấp các dịch vụ trên thị trường.
Đối với cơ quan quản lý, nhiệm vụ trước mắt là tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ phát triển của thị trường để kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Tiếp tục quản lý, giám sát thị trường và tuyên truyền để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức cung cấp dịch vụ tuân thủ quy định của pháp luật, cũng như khuyến nghị rủi ro. Hoàn thiện hành lang pháp lý, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ quy định là giải pháp đưa thị trường trái phiếu phát triển minh bạch và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.