(HNM) - Nhiều năm qua, về cơ bản các nhà đầu tư chứng khoán lựa chọn từng mã cổ phiếu đều bắt đầu với niềm tin rằng, các thông tin mà doanh nghiệp niêm yết công bố thông qua những bản cáo bạch, báo cáo tài chính đã được cơ quan quản lý là hai Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thẩm định kỹ càng.
Thế nhưng, mới đây đông đảo nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng, hoang mang khi một doanh nghiệp từ chỗ làm ăn có lãi bỗng nhiên báo lỗ cả nghìn tỷ đồng. Rồi một công ty có dấu hiệu đánh cắp thông tin của doanh nghiệp khác để lên sàn lừa đảo nhà đầu tư. Đến nay, các mã cổ phiếu này đã bị ngừng giao dịch, hoặc bị kiểm soát đặc biệt. Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh thừa nhận, các sở chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ phía doanh nghiệp và tổ chức công bố một cách kịp thời, còn việc điều tra, làm rõ những thông tin đó thì không thuộc chức năng. Điều đó có thể được hiểu là doanh nghiệp đưa gì thì hai sở công bố cái đó, còn lựa chọn cổ phiếu nào, được hay mất là tại nhà đầu tư?!
Tất nhiên, chọn mã cổ phiếu nào, được hay mất là quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, ai bảo vệ nhà đầu tư và làm sao để minh bạch thông tin đang là câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng. Nhà đầu tư mong muốn được bảo vệ, nhưng dường như các quy định pháp luật hiện hành nhằm đáp ứng mong mỏi này lại quá thiếu. Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán, các cơ quan quản lý cần tạo ra “bộ lọc” chuẩn nhằm ngăn chặn và loại bỏ các doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.