(HNM) - Không phải chuyện mới, nhưng thông tin đưa ra hôm qua về việc giá điện sẽ tăng thêm 5%, đưa mức bình quân từ 1.369 đồng lên 1.437 đồng/kWh, bắt đầu thực hiện từ ngày 22-12 thực sự đã khiến dư luận xôn xao.
Đáng nói là, chỉ trước đó một ngày, những vấn đề nổi cộm trong kinh doanh xăng dầu, sự bức xúc của người tiêu dùng đã là nội dung chính của cuộc tọa đàm mang chủ đề "Minh bạch hóa thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
Thực tế từ 3 năm nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu đã có rất nhiều biến động. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/NĐ-CP để quản lý, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề đang bỏ ngỏ câu trả lời. Trong cuộc tọa đàm nói trên, hầu hết các đại diện của ngành xăng dầu cũng như Bộ Công thương đều đưa ra những lập luận để khẳng định "không thể nói giá xăng dầu không minh bạch".
Tuy nhiên, giải thích cho lập luận này dường như còn rất mơ hồ. Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) quả quyết: "Mỗi lần chúng ta điều chỉnh giá đều họp báo, công bố các yếu tố cấu thành giá rất minh bạch". Nhưng sự thật là chỉ minh bạch tại thời điểm đó. Còn nhìn cả chu kỳ thì không minh bạch vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó… không theo chuẩn mực nào!
Theo kết cấu giá năm 2012, giá bình quân của thế giới với mặt hàng xăng chỉ tăng 3% so với năm 2011, nhưng giá xăng trong nước lại tăng 11%. Điều này, theo nhận định của những người quan tâm đến thị trường thì thiếu sự rõ ràng. Thực tế, giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước lại chưa giảm, hoặc giảm chậm. Thậm chí có chuyên gia còn yêu cầu tính lại chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường.
Trở lại chuyện giá điện, trả lời báo chí, lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo Quyết định 24, giá điện 3 tháng được điều chỉnh một lần, vì vậy "tăng tại thời điểm này còn là chậm so với yêu cầu". Chưa biết như thế nào được gọi là "chậm so với yêu cầu", chỉ biết đây là lần thứ hai trong năm, ngành điện điều chỉnh tăng, mỗi lần khoảng 5%. Và với dư luận, việc điều chỉnh này chưa rõ tính minh bạch. Báo cáo cho thấy, ngành điện năm nay đã có lãi. Vì vậy, nhiều người cho rằng việc điều chỉnh này là chưa ổn.
Thêm một câu chuyện thị trường khác cũng đang "gây sốt' trong ngày hôm qua, đó là giá vàng trong nước đang ở mức chênh lệch kỷ lục với thị trường thế giới, vượt 5,05 triệu đồng mỗi lượng vàng SJC. Thực tế là giá vàng trong nước đã giảm, thế nhưng tốc độ giảm chẳng nhằm nhò gì so với mức giảm của thế giới. Mới chỉ một ngày trước giá vàng đang chênh lệch thị trường thế giới ở mức 4,5 triệu đồng, nhưng chưa đầy 24 giờ sau đã vọt lên 5,05 triệu đồng/lượng. Trên cơ sở thị trường có sự lình xình kéo dài suốt thời gian dài vừa qua thì vấn đề cơ chế quản lý thị trường vàng đang lại đặt ra những câu hỏi lớn.
Bất cập nào về chính sách khiến cho những mặt hàng gắn liền với đời sống của người dân lại chưa bao giờ được ổn định như vậy? Đây là câu hỏi không khó trả lời, nhưng cũng lại vô cùng hóc búa một khi chúng ta vẫn còn chưa sòng phẳng về cách tính giá cũng như thiếu minh bạch thông tin về sản phẩm như hiện nay. Một khi vẫn còn tình trạng "tự mình quản lý mình" thì người tiêu dùng vẫn còn lâu mới tiếp cận được giá thực. Điều này hơn bao giờ hết, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng…, để minh bạch thực sự là minh bạch chứ không phải là hình thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.