(HNM) - Nếu như những năm trước, mỗi kỳ nghỉ lễ mang đến cho các siêu thị, trung tâm bán lẻ mức doanh thu tăng đến 50% hoặc nhiều hơn so với ngày thường thì kỳ nghỉ dài dịp lễ 30-4 vừa qua sức mua tăng rất ít.
Tăng ít!
Những ngày nghỉ lễ vừa qua, dù các nhà bán lẻ đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi khủng dành cho những ngày nghỉ lễ nhưng tại nhiều siêu thị, người mua kẻ bán vẫn… thảnh thơi như ngày thường. Ở một số trung tâm thương mại lớn, lượng người tập trung về đây có đông hơn nhưng chủ yếu là sử dụng các dịch vụ vui chơi, xem phim và tham quan hơn là mua sắm.
Sự cạnh tranh ở thị trường bán lẻ ngày càng gay gắt hơn. |
Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing của hệ thống siêu thị Co.opmart, kỳ nghỉ lễ dài đến 6 ngày nên người dân đi du lịch hoặc về quê nhiều, do đó sức mua trong kỳ lễ này dịch chuyển về các tỉnh. Theo đó, sức mua tại các siêu thị Co.opmart ngoài khu vực TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành có thế mạnh về du lịch như Phan Thiết, Quy Nhơn, Nha Trang… tăng khá cao. Một số mặt hàng như thực phẩm, hải sản, hàng giải khát và các sản phẩm có áp dụng chương trình giảm giá doanh số tăng từ 2 đến 4 lần so với ngày thường. Cũng theo ông Võ Hoàng Anh, sức mua sẽ tái dịch chuyển vào các điểm bán lẻ tại các trung tâm thành phố khi kỳ nghỉ kết thúc, người dân trở lại làm việc và mua sắm cho nhu cầu gia đình. Tại hệ thống siêu thị Big C, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng cũng cho biết, sức mua tại các tỉnh trong dịp lễ tăng cao hơn ở TP Hồ Chí Minh, cũng với nguyên nhân người dân đi du lịch về các tỉnh nhiều hơn ở lại thành phố. Ngoài nguyên nhân người dân di chuyển ra khỏi thành phố, theo nhiều nhà bán lẻ, sức mua dịp lễ này tăng ít là do thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi. Khi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi có quá nhiều và khuyến mãi, các chương trình diễn ra quanh năm thì nhu cầu mua sắm cũng trải dài chứ không chỉ tập trung vào dịp lễ, tết như trước.
Lý giải của các nhà bán lẻ là hợp lý bởi con số từ Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh trong 4 tháng qua cho thấy, sức mua trên địa bàn không giảm. Theo đó, ước tính 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 211.414 tỷ đồng, tăng 10,7%, loại trừ yếu tố giá thì tăng 10%. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 165.825 tỷ đồng, tăng 11,1%; dịch vụ tiêu dùng đạt 45.588 tỷ đồng, tăng 8,9% (loại trừ biến động giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,6%, dịch vụ tăng 3,5%).
Cạnh tranh khốc liệt
Theo thông tin từ Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, hiện tại các kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ chiếm 25% thị phần, trong khi các nước trong khu vực cao hơn nhiều, cụ thể như Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%. Chính vì vậy, Hiệp hội Bán lẻ cũng dự báo, đến năm 2020 tỷ lệ kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam sẽ được nâng lên con số 45%.
Dù dư địa của kênh bán lẻ hiện đại còn nhiều, tuy nhiên sự cạnh tranh của kênh phân phối này đang rất khốc liệt bởi thời gian gần đây có rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang "tăng tốc" vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có 35 trung tâm thương mại, 176 siêu thị đang hoạt động, 700 cửa hàng tiện lợi thuộc các chuỗi hệ thống bán lẻ. Từ nay đến năm 2020, sẽ có thêm 100 siêu thị, trung tâm thương mại cùng gia nhập thị trường.
Thống kê mặt bằng bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho biết, trong quý I-2015 tỷ lệ lấp đầy đã tăng so với cùng kỳ năm trước, dù nguồn cung tăng.
Ở một số trung tâm mua sắm
như Vincom Center B, Union Square… tỷ lệ lấp đầy khá cao với khoảng 75% - 80% và cả hai trung tâm mua sắm Vincom Thủ Đức và Saigon Square 3 đều có tỷ lệ lấp đầy cao lên đến 70% ngay khi vừa mở cửa. Chỉ trong quý I-2015, Vincom Retail mở rộng chuỗi Vinmart +, bao gồm các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi, VinFashion và tiếp tục lên kế hoạch triển khai hai thương hiệu mới VinPro (cửa hàng điện tử) và VinDS (trung tâm thương mại tổng hợp). Ngoài ra, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và hai nhà bán lẻ khác đến từ Thái Lan (BJC và Central Group) cũng tích cực mở rộng thông qua hợp tác với các nhà bán lẻ trong nước. Cụ thể, Aeon đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart để quảng bá sản phẩm và củng cố, mở rộng hệ thống phân phối. BJC mua Family Mart và đặt mục tiêu mở rộng lên đến 300 cửa hàng vào năm 2018…
Còn theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam chính thức cho phép các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 1-1-2015, đồng nghĩa với việc các công ty nước ngoài dễ dàng gia nhập thị trường và mở rộng hệ thống phân phối, khiến “miếng bánh” thị phần sẽ phải sẻ chia nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.