Từ sáng nay, tại một số tỉnh thành miền Trung đã bắt đầu có mưa. Càng về trưa, mưa gió càng mạnh. Dự báo từ chiều tối nay (14/10), các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Ngãi có gió giật cấp 13, 14; mưa to đến rất to.
Tại huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc (TT-Huế) - nơi được dự báo là vùng tâm bão, công tác phòng chống bão đang được tập trung quyết liệt. Toàn huyện có hơn 5.800 hộ với hơn 24.000 khẩu nằm trong vùng nguy hiểm. Huyện đang tập trung chỉ đạo để di dời hơn 3.000 hộ dân vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp.
Người dân ven biển Thuận An nỗ lực đối phó với cơn bão mạnh |
Huyện đã huy động 7 xe xúc, 9 xe khách, 10 xe ben, 1 xe kéo chuyên dụng, 3 thuyền máy, 2 ca nô và dự trữ 30 tấn gạo, 2.000 thùng mì ăn liền, 3.000 lít dầu hỏa, các cơ sở y tế cũng chuẩn bị đủ cơ số thuốc. Đồng thời, huy động 3 Đại đội dự bị động viên, 1 trung đội dân quân cơ động và mỗi xã huy động 1 trung đội dân quân tự vệ để giúp dân chằng chống nhà cửa và trực sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Trong sáng 14/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã đi kiểm tra khẩn công tác phòng chống bão số 11 (Nari) tại huyện Phú Lộc và Phú Vang. Bộ trưởng yêu cầu, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, vận động nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa và chuẩn bị phương án tập trung di dời dân vùng ven biển, đầm phá, vùng xung yếu đến nơi an toàn trước 19 giờ ngày 14/10; bố trí nhân, vật lực bảo vệ các tuyến đê biển, các công trình hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đang kiểm tra tại biển Vinh Hiền, huyện Phú Lộc |
Hiện toàn bộ tàu thuyền ở Huế đã vào bờ an toàn. Các hồ đập thủy điện cũng đã xả nước từ ngày hôm qua cho đến sáng nay để điều tiết nước như thủy điện Hương Điền, thủy điện A Lưới. Riêng thủy điện Hương Điền đang gần lên đến cao trình hiện đang xả về hạ lưu với tốc độ 200m3/s. Mực nước các sông đang lên do thủy điện xả nước.
Theo ghi nhận của PV tại Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, các hàng quán ven biển đã được gỡ xuống vào trưa nay. Biển động dữ dội, gió thổi rất mạnh và mưa nặng hạt đang diễn ra tại đây. Ở thành phố Huế cũng có mưa to đến rất to. Trong chiều 14/10, toàn bộ học sinh, sinh viên các khối ở Huế đã được nghỉ học.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sáng nay đã bay vào Đà Nẵng và Quảng Ngãi, Hội An (Quảng Nam) để thị sát công tác ứng phó với bão số 11. Chiều ngày 14/10, Phó Thủ tướng sẽ đến Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão.
Mưa lớn và gió rất mạnh ở biển Thuận An vào gần 11h trưa nay |
TP Đà Nẵng là địa bàn trọng điểm và Sở chỉ huy tiền phương được lập để tổng rà soát việc chuẩn bị ứng phó của các địa phương trong khu vực.
Cũng trong sáng 14/10, UBND thành phố Đà Nẵng có công điện chỉ đạo công tác ứng phó và chủ động khắc phục hậu quả bão số 11. Theo đó, UBND các quận, huyện kiểm tra và tổ chức sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; tổ chức di dân cần ưu tiên người già, trẻ em, người khuyết tật,...; di dân tại chỗ, di dân từ nhà bán kiên cố sang nhà kiên cố, di dân vào các công sở, cơ quan, đơn vị… và hoàn thành trước 17h chiều nay.
Tại tỉnh Quảng Nam sáng nay 14/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng ban hành công điện khẩn gửi các đơn vị để chủ động ứng phó với cơn bão mạnh này. Tỉnh lên phương án di dời dân vùng thấp trũng để ứng phó với bão số 11 và lũ sau bão. Hiện các đồn biên phòng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho ngư dân trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh.
Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn đề nghị các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước đón lũ. Lúc 13 giờ ngày 13/10, thủy điện A Vương bắt đầu xả tràn với lưu lượng dự kiến từ 35 - 300 m3/giây. Thủy điện Đăk Mi 4 cũng thông báo xả tràn lúc 17 giờ cùng ngày, lưu lượng xả dự kiến 100m3/giây và sẽ điều chỉnh lưu lượng xả tùy theo tình hình thủy văn lưu lượng về hồ. Được biết, hiện 32/73 hồ chứa nước thủy lợi tại Quảng Nam đã đầy nước.
Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết đến 10h trưa nay (14/10), tâm bão số 11 ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16 Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 10h ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Theo cơ quan khí tượng, từ chiều tối nay các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.