Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ chín và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19-2.
Điểm nổi bật là Nghị quyết áp dụng miễn trừ trách nhiệm dân sự với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng khi xảy ra rủi ro…
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia quy định: Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng...
Cũng phải nói thêm, mặc dù luật quy định chi ngân sách nhà nước hằng năm cho đầu tư cho khoa học, công nghệ là 2%, nhưng thực tế, các con số đầu tư giải ngân chỉ ở dưới 1%. Điều này được đại diện cơ quan soạn thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, vấn đề kinh phí cho nghiên cứu khoa học vướng mắc kéo dài bắt nguồn từ “gốc” là Nhà nước muốn tránh rủi ro, nên trách nhiệm bị dồn nhiều lên các tổ chức nghiên cứu. Kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiêu cứu lớn, có nguy cơ rủi ro cao.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phân tích, làm khoa học, công nghệ rủi ro rất cao, có thể phụ thuộc vào đánh giá của người khác dẫn đến trách nhiệm lớn. Luật Khoa học công nghệ đã quy định miễn trách nhiệm dân sự, Bộ luật Hình sự cũng quy định miễn nhiệm hình sự. Do vậy, Nghị quyết quy định nội dung miễn trách nhiệm dân sự để khuyến khích các nhà khoa học và tạo nên một sự an toàn cho nhà khoa học làm nghiên cứu. Việc miễn trách nhiệm cả dân sự và hình sự là để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tinh thần của Nghị quyết là: “Nghẽn ở đâu, nghẽn cái gì mà kéo dài, nhất là những cái cấp bách thì gỡ ở đó. Cần đột phá ở đâu thì cho nó chính sách đặc biệt ở đó”. Ngoài miễn trách nhiệm dân sự khi xảy ra rủi ro, Nghị quyết quy định “khoán chi” trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Nghị quyết cho phép tổ chức nghiên cứu, dù là nghiên cứu từ tiền nhà nước, nhưng được sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, ai nghiên cứu thì người đó sở hữu kết quả. Khi thương mại hóa, người trực tiếp nghiên cứu được 30%, còn 70% cũng để lại cho tổ chức nghiên cứu. Lợi ích nhà nước thu được là khi kết quả nghiên cứu đi vào cuộc sống, tạo ra doanh thu, Nhà nước sẽ thu được thuế...
Về hạ tầng viễn thông, Nghị quyết có chính sách rất đặc biệt khi quy định Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đến 15% tổng giá trị đầu tư trạm thu phát sóng 5G, nếu nhà mạng đó phát triển tối thiểu 20.000 trạm 5G trong năm 2025. Đồng thời đưa ra chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển, do nhà mạng trong nước tham gia; cho phép sử dụng công nghệ mới là công nghệ vệ tinh tầm thấp ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, với cơ chế thí điểm có kiểm soát. Để đẩy nhanh chuyển đổi số, Nghị quyết cho phép các dự án chuyển đổi số giai đoạn 2025-2026 được chỉ định thầu; quy định có ngân sách trung ương để làm các nền tảng số dùng chung toàn quốc. Về công nghệ bán dẫn, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt cộng đồng công nghệ đầu Xuân Ất Tỵ vào chiều 19-2, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ nhiệm vụ mà các doanh nghiệp công nghệ số cần triển khai trong 2 năm tới. Bộ trưởng cho biết, dự kiến, sau 1 tuần, Chính phủ sẽ có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời bày tỏ mong muốn các cộng đồng doanh nghiệp, hội, hiệp hội thời gian tới tích cực hỗ trợ bộ, ngành trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.