Sáng 15-2, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, muốn phát triển nhanh, bền vững thì dựa trên KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan. Do đó, phải tháo gỡ trước hết về thể chế, giải quyết trước mắt một số khó khăn, vướng mắc để Nghị quyết số 57- NQ/TƯ đi vào cuộc sống; tiếp đó là sửa các luật liên quan trong năm nay và năm sau.
Đồng tình với ý kiến đại biểu Quốc hội rằng, các chính sách thiết kế trong dự thảo Nghị quyết cần cụ thể và rõ hơn nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh các chính sách đặc thù, cần bổ sung 5 cơ chế đặc biệt.
Thứ nhất, cần cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì hạ tầng lĩnh vực này hiện còn rất yếu.
Thứ hai, cần cơ chế đặc biệt cho quản lý. Ví dụ, đầu tư công - quản lý tư (Nhà nước đầu tư hạ tầng KHCN, giao tư nhân quản lý)...
Thứ ba là cơ chế đặc biệt cho các nhà khoa học và công trình khoa học thương mại hóa được. Trong đó, có thể phân cấp, phân quyền đến các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, thậm chí tới các chủ thể có liên quan; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính để quản lý hiệu quả tổng thể.
Thứ tư, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội mới đề cập miễn trừ trách nhiệm cho người soạn thảo chính sách, nhưng khâu thực hiện mới là khó và còn yếu. Do đó, nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại dẫn đến sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không muốn làm.
Thứ năm, phải có cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực, như thu hút nhân lực để phát triển doanh nghiệp tư nhân về KHCN; thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài về Việt Nam, vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển KHCN bằng chính sách thuế, phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…
“Quá trình thực hiện để tạo đột phá về KHCN thì phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, thậm chí phải trả giá, nhưng quan điểm coi đó là "học phí" để rồi giải quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra đã đưa ra dự thảo Nghị quyết với các nội dung đề cập được coi là “cú huých”, tạo động lực đột phá để hoạt động KHCN và chuyển đổi số quốc gia phát triển.
Quan tâm đến nội dung khoán chi trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN (Điều 8), đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng dự thảo Nghị quyết nên bổ sung nội dung “không quy định hình thức đấu thầu” đối với hoạt động mua nguyên vật liệu và vật rẻ tiền nhanh hỏng, mà nên để đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ linh hoạt lựa chọn hình thức đấu thầu thích hợp.
Theo đại biểu, lý do là trong quá trình thực hiện thí nghiệm/thử nghiệm, kết quả của lần thí nghiệm/thử nghiệm này là cơ sở để triển khai các hoạt động tiếp theo, nhất là đối với các vấn đề nghiên cứu mới. Trong một số trường hợp, việc đấu thầu không khả thi, ví dụ thuê động vật, đất trồng cây, ao nuôi… hay mua phụ phẩm nông nghiệp để triển khai các hoạt động thí nghiệm/thử nghiệm của doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân do trong đăng ký kinh doanh của họ không có hoạt động này hoặc hộ nông dân, trang trại không đăng ký tham gia trên mạng đấu thầu quốc gia.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột và động lực to lớn cho mỗi quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Vì thế, khi tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, thu hút và phát triển nguồn nhân lực để phát triển KHCN, cần quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đại học - nơi đào tạo đội ngũ nhân lực sáng tạo và nhân lực thực hiện các nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, xây dựng các chiến lược, chương trình, dự án khoảng 10 năm, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược, phát huy nguồn lực từ Nhà nước và toàn xã hội. Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết nên nghiên cứu để bổ sung các chính sách đột phá trong hợp tác giữa cơ quan nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp; chính sách về thu hút, phát triển và nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ các nhà quản lý khoa học, đội ngũ các nhà khoa học... Đặc biệt, đại biểu kiến nghị cần đưa ra được các kịch bản phát triển của đất nước trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu thực trạng, có đến 90% công bố báo cáo khoa học quốc tế đều do các trường đại học, song, nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho các trường chiếm chưa đến 10% tổng ngân sách đầu tư cho KHCN, như vậy là chưa đầu tư đúng chỗ.
“Tôi đề nghị trong Nghị quyết này phải đưa ra một yêu cầu là ưu tiên trong đầu tư nghiên cứu KHCN trong các trường đại học. Điều đó mới khuyến khích đúng nơi tạo ra những giá trị trí tuệ mới”, đại biểu kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) cho rằng, trong Nghị quyết lần này phải nhắc đến các trường đại học là chủ thể nghiên cứu KHCN. Các doanh nghiệp tìm đến nhiều trường đại học, bởi đây không chỉ là nơi nghiên cứu khoa học, mà vừa có nguồn nhân lực, vừa có KHCN.
Chia sẻ những khó khăn, bất cập hiện nay cả về cơ chế lẫn cách tiếp cận nghiên cứu KHCN trong trường đại học, đại biểu Lê Quân thông tin, nguồn thu của nhiều trường đại học trong lĩnh vực KHCN cao gấp nhiều lần so với thu học phí và được doanh nghiệp tìm đến hợp tác. Vì thế, đại biểu nhấn mạnh cần đưa các trường đại học vào Nghị quyết lần này, với vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học và cần được ưu tiên đầu tư nhiều hơn nữa.
Ở góc độ khác, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) kiến nghị sửa tên gọi của nghị quyết thành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số giải pháp để thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.
Về thời hạn thí điểm, trong dự thảo Nghị quyết có quy định thời hạn khác nhau, cụ thể có những nội dung quy định 5 năm, nhưng có những vấn đề quy định 3 năm. Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để có thời hạn thống nhất, nên có thời hạn áp dụng chung 5 năm - thời hạn đủ dài để chúng ta thí điểm, sơ kết, tổng kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.