Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mì vằn thắn

ANHTHU| 22/04/2008 15:24

(HNM) - Mì vằn thắn có từ bao giờ? Chẳng ai còn nhớ rõ, chỉ biết rằng món ăn này theo bước chân di dân của những người Hoa sang nước ta từ những năm 30 của thế kỷ trước. Thế rồi, cái món ăn ngoại lai này chinh phục ngay giới sành ăn Hà thành bởi hương vị, màu sắc và trở thành một trong những món ăn không thể thiếu đối với người  Hà Nội.

Mì vằn thắn, có nơi gọi là mì vằn thắn hay mì hoành thánh có gốc gác từ món mì Wonton (có nghĩa là muốt mây) ở Quảng Đông, Trung Quốc. Những người bán mì vằn thắn thường dùnghai đoạn tre gõ vào nhau để rao hàng. Âm thanh trầm đục nhe như “độc đắc... độc đắc... độc đắc” lâu dần đã trở nên quen thuộc đặc trưng của hàng mì vằn thắn. Khi dân Quảng Đông di cư sang nước ta, họ cũng mang theo âm thanh ấy. Trong một thời gian dài, tiếng gõ nhịp phát ra từ hai thanh tre hàng đêm như một sợi chỉ len lỏi khắp phố phường Hà thành. Khi mới xuất hiện, người Việt không quen với cách pha chế của người Hoa nên ít người chuộng. Thế là họ khéo léo chế biến cho hợp khẩu vị của người Việt, tạo ra một nét đậm đà của một hương vị lai mà người Hoa mang tặng cho Hà Nội.

Ở Hà Nội hiện vẫn có rất nhiều người bán mì vằn thắn, nhưng bây giờ họ bán trong cửa hàng chứ không ai mang rao như trước nữa. Bát mì vằn thắn ngày nay cũng không giống bát mì đất Giang Nam, nó đã được người Việt gia giảm thêm bớt nhiều thứ cho hợp với khẩu vị hơn. Nhưng những người già thì bảo, mì vằn thắn bây giờ làm ẩu, chứ làm đúng theo cách người Hoa làm thì cầu kỳ và mất nhiều thời gian lắm!

Bát mì vằn thắn đầy đủ lúc nào trông cũng rực rỡ, gợi cảm đầy đủ hơn. Đầu tiên là dăm viên vằn thắn (sủi cảo), rồi đến mấy miếng xá xíu mỏng tang, một phần tư quả trứng gà luộc, hai miếng gan lợn. Rau thì nhất thiết phải nấm hương, cải xanh, hẹ. Và đi kèm với nó vắt mì vàng ươm, nước dùng nghi ngút khói. Có hàng còn cho thêm một miếng bóng bì.

Mì vằn thắn nhìn là đủ biết nguyên liệu làm nên nó phải có mì, vằn thắn (hay còn gọi là sủi cảo) và nước dùng. Nhưng đâu phải chỉ cần bỏ mì và mấy viên sủi cảo mà thành mì vằn thắn đâu nhé! Mì vằn thắn đúng cách phải được làm từ bột mì nhào trứng và nhất thiết không được để lẫn một giọt nước nào, nghĩa là chỉ bột mì và trứng mà thôi. Lúc cán mỏng, sợi mì dai mà lại giòn, mềm mà không nát, giữ được màu vàng ươm bắt mắt. Đối với vằn thắn ngon hay không còn phụ thuộc ở nhân, nhân là tôm tươi đem viên có thêm nấm hương và thịt, lúc cắn nghe như có tiếng sần sật, sần sật. Nếu vằn thắn chỉ có thịt băm nhuyễn, ướp hương được bọc trong một lớp bột mì cán mỏng thì quả là tầm thường và không có gì đáng nói, nhưng ở đâyhọ trộn thêm tôm tươi giã nhỏ, vằn thắn vì vậy mà thêm dậy mùi. Để bánh dính mép được với nhau, người thợ thoa lòng trắng trứng gà xung quanh viên bánh, rồi bẻ mép dính lại. Có thể xoắn mép bánh lại như miệng cái túi hoặc gấp đôi theo đường chéo, rồi bẻ hai góc đáy của hình tam giác trông giống hình chiếc túi xinh xắn bỏ vào nồi nước đang sôi sùng sục nhịp nhàng từng cái một. Những chiếc bánh chín lập lờ nổi lên, phải vớt ngay, để ra rổ cách xa nhau cho bánh không bị dính.

Bí quyết để làm một bát mì vằn thắn ngon nằm ở hai khâu nước dùng và tra muối. Chế nước dùng cũng là cả một nghệ thuật. Nước dùng phải ninh xương gà, xương lợn, cá tầm khô, vị thuốc bắc và vỏ tôm để lấy vị ngọt tự nhiên, và cấm tiệt mì chính. Tra muối tưởng chừng như là công việc đơn giản nhưng thực ra vô cùng phức tạp, khi cho muối thích hợp và tài tình thì các thành phần có trong bát mì đều dậy mùi hài hòa với nhau, mỗi thứ toát lên một hương vị riêng nhưng cùng tôn vinh nhau cùng thăng hoa, mặn quá hay nhạt quá đều sượng sùng vô vị. Có lẽ vì khó làm được một nồi nước dùng ngon mà Hà Nội không nhiều quán bán mì vằn thắn.

Phụ liệu có thể gia giảm nhưng phải hài hòa, nhưng bát mì đầy đủ không được phép thiếu rau cải. Lúc sắp mì ra ăn phải lót trước năm viên sủi cảo nhân tôm xuống đáy bát, sau rải mì lên trên, rót nước dùng xâm xấp, thả thêm vài cọng rau cải để tăng độ giòn và thanh. Để sợi mì vẫn giữ được độ dai và dẻo thì không được dầm hết mì vào nước chan, phải để nhô lên một phần, và thưởng thức khi bát mì đang nóng.

Bátmì có mùi thơm của thịt, nấm hương, nước dùng, lại có vị bùi bùi của gan lợn, ngọt mát của trứng luộc, cái sần sật của bóng bì, cái mềm dẻo của vằn thắn... tất cả hợp lại làm nảy sinh một thứ mùi vô cùng phong phú và đặc trưng không thể lẫn vào đâu.

Bài và ảnh:Khánh Hồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mì vằn thắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.