Xác định là công việc khó, phức tạp, đòi hỏi cả kỹ năng lý luận và thực tiễn, từ nhiều nhiệm kỳ qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội luôn chú trọng công tác tiếp công dân và tiếp xúc cử tri. Từ đại biểu HĐND thành phố đến chuyên viên làm công tác tiếp dân, tổng hợp ý kiến cử tri, mỗi người một nhiệm vụ nhưng đều luôn hết lòng vì dân.
Trò chuyện với chúng tôi, Tiến sĩ Lâm Thị Quỳnh Dao, Ủy viên chuyên trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội chia sẻ, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị là một nội dung khó, bao trùm tất cả các lĩnh vực, liên quan đến nhiều quy định pháp luật và qua nhiều thời kỳ. Để nâng cao chất lượng, mỗi đại biểu dân cử cần chủ động xây dựng kế hoạch công tác, bảo đảm thời gian dành cho hoạt động của đại biểu trước cử tri; đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát, tổ chức giám sát chuyên đề về lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền; lựa chọn các nhóm vấn đề để đề xuất với HĐND thành phố chất vấn tại kỳ họp HĐND.
Tiến sĩ Lâm Thị Quỳnh Dao cũng cho rằng, cần bố trí, sắp xếp phù hợp số lượng đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách về bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng; thực hiện quy hoạch, thử thách, định kỳ đánh giá, luân chuyển theo quy định. Nâng cao nhận thức của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận tổ quốc về vai trò, trách nhiệmcủa mình trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; chủ động xây dựng kế hoạch công tác, đảm bảo thời gian dành cho hoạt động của đại biểu dân cử; nâng cao chất lượng tiếp công dân và xử lý các đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường hoạt động giám sát, tổ chức giám sát chuyên đề về lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền cơ sở; lựa chọn các nhóm vấn đề để chất vấn, hoặc tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND.
Tiến sĩ Hoàng Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, người cán bộ đã nhiều năm công tác trong cơ quan dân cử, tiếp xúc với nhiều công dân và trực tiếp nghiên cứu lĩnh vực tiếp dân, cho biết, để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đạt hiệu quả hơn, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và các Luật: Tiếp công dân, Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định, quyết định, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành về công tác Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để hiểu và thực hiện.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Thị Thúy Hằng, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực có nhiều đơn thư, các vụ việc phức tạp, kéo dài; xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể, các cơ quan Nội chính trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định.
Nhưng lý luận sẽ thiết thực đi vào cuộc sống hơn nếu kết hợp với thực tiễn. Và ở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội có một người cán bộ như thế, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung đã hơn 10 năm làm tiếp dân. “Đây là trách nhiệm của chúng cháu” - là câu nói thường trực mỗi khi chị Nhung gặp công dân, đúng là trách nhiệm, nhưng không phải ai cũng thực hiện được trách nhiệm ấy một cách tâm huyết như thế.
Hơn 10 năm qua, chị Nhung đã tiếp nhận, đọc rất nhiều đơn thư của công dân, hàng ngày cứ miệt mài đọc và tìm hiểu, phối hợp với từng địa phương, cơ sở của công dân để tìm hiểu vụ việc, từ đó tham mưu với Thường trực HĐND Thành phố giải quyết đơn một cách thấu tình đạt lý. Chị chia sẻ, kinh nghiệm của tôi là coi công dân như người thân của mình thì mình sẽ cố gắng làm hết sức. Và từ kinh nghiệm ấy, rất nhiều vụ việc của công dân đã được chị tham mưu để Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo giải quyết thấu đáo.
Để chuẩn hoá hoạt động tiếp công dân, hiện nay Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố đang triển khai xây dựng quy định tiếp công dân, trong đó quy định về trình tự các bước tiếp nhận, xử lý đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội kể từ khi nhận được đơn của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho đến khi đơn được hoàn tất việc xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo này, cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội được phân công nhiệm vụ tham mưu, xử lý đơn, thư chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xử lý đơn, thư gửi đến Đoàn ĐBQH, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, lãnh đạo HĐND thành phố; chủ động đề xuất lãnh đạo Đoàn ĐBQH, lãnh đạo HĐND thành phố, lãnh đạo Văn phòng chỉ đạo và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu, xử lý đơn thư theo yêu cầu công tác và quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu, giúp cơ quan Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tham mưu, xử lý đơn thư gửi đến Đoàn ĐBQH, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, lãnh đạo HĐND thành phố. Điều đó thể hiện, công tác tiếp công dân được Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố hết sức chú trọng quan tâm.
Với kinh nghiệm và cụ thể hoá từ lý luận, thực tiễn, tin tưởng rằng công tác tiếp công dân và giải quyết kiến nghị cử tri của HĐND thành phố Hà Nội sẽ ngày càng được đổi mới, chất lượng, hiệu quả hơn, mục đích cao nhất là cử tri và nhân dân được lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết nguyện vọng chính đáng một cách thấu đáo, công bằng nhất./.