Dù các cấp chính quyền thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn kiến nghị cử tri, vụ việc công dân gửi đơn chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân có nhiều, nhưng điều chúng tôi trăn trở là, nhiều năm liền đời sống của một số công dân chưa được bảo đảm vì những kiến nghị của họ vẫn chưa được giải quyết.
Chỉ với mong muốn được giao nhà tái định cư để sớm ổn định cuộc sống, chị Nguyễn Thúy Hà cùng 10 công dân trong nhóm 15 gia đình công dân gặp chúng tôi trong một buổi sáng trời mưa rét tại khu nhà được bố trí làm tái định cư vẫn bỏ dang dở chưa bàn giao. Không biết do mưa hay do nước mắt mà cặp kính của chị Hà cứ nhòe đi làm người đối diện cứ nao lòng.
Đã hơn 10 năm nay, chị cùng các gia đình gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền, đề nghị sớm hoàn thành dự án khu nhà tái định cư CT4A khu tái định cư phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm để giải quyết việc bán căn hộ chung cư cho các hộ gia đình khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 32 (đoạn Nam Thăng Long - Cầu Diễn).
Khi thực hiện chủ trương này, chị và các gia đình đã hoàn toàn ủng hộ, bàn giao nhà, đất để mở đường và được bố trí tái định cư tại khu CT4A, nhưng đến nay vẫn chưa nhận nhà tái định cư để ổn định cuộc sống.
“Có hai bác không còn chờ được đã mất rồi, còn chúng tôi người thì ở gầm cầu, người thì thuê nhà, người thì về nhà mẹ đẻ ở nhờ,… thực sự khổ lắm” - những câu nói ấy cứ vang mãi trong tâm trí nhóm phóng viên chúng tôi, và thực sự mong muốn các bác ấy được giao nhà tái định cư để ổn định cuộc sống.
Theo dõi qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, chúng tôi nhận thấy, tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn nhiều vụ việc công dân gửi đơn đến các cấp chính quyền và nhiều ý kiến cử tri kéo dài vẫn chưa được xử lý dứt điểm, chưa có kết quả.
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Bích Thủy cho rằng, dù muốn giải quyết nhưng công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị là một nội dung khó, bao trùm tất cả các lĩnh vực, liên quan đến nhiều quy định pháp luật và qua nhiều thời kỳ, do đó việc giải quyết cũng gặp nhiều khó khăn. Một số khó khăn trong công tác này có thể kể đến như: Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, để công dân gửi đơn nhiều lần, vượt cấp; một số vụ khiếu nại, tố cáo chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các cấp có thẩm quyền, do đó chậm giải quyết dứt điểm, gây khiếu nại, tố cáo kéo dài; số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo ở các đơn vị nhiều; việc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp dân còn ít, chưa bảo đảm nhân lực phục vụ công tác này.
Ngoài ra, nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế; một số trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, cố tình không chấp hành quyết định đã giải quyết đúng pháp luật nên vẫn tiếp tục khiếu kiện vượt cấp, đòi hỏi không đúng chế độ chính sách. Một số quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có hiệu lực pháp luật chưa tổ chức thực hiện dứt điểm, tồn đọng kéo dài.
Trong khi đó, tính chủ động, phối hợp giải quyết công việc của một số đơn vị khi tổ chức thực hiện chưa cao, vẫn phải đôn đốc nhiều lần trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết đơn thư của công dân còn tồn tại. Cùng với đó là chế độ thông tin báo cáo của một số đơn vị thực hiện chưa kịp thời, có đơn vị đã giải quyết xong vụ việc theo thẩm quyền nhưng không báo cáo kết quả giải quyết theo quy định dẫn đến khó khăn trong quá trình theo dõi, tổng hợp, phúc đáp các cơ quan chuyển đơn và trả lời công dân theo quy định.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có cơ chế kiểm soát, đánh giá trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo tại các đơn vị, mặc dù có quy định trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo song việc xử lý còn nể nang, chưa nghiêm hoặc hành vi vi phạm chưa gây hậu quả chỉ cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Thực tế qua theo dõi, trong giải quyết kiến nghị cử tri, quá trình tổ chức triển khai thực hiện giám sát giải quyết có nơi, có lúc thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn; còn một số tồn tại, khó khăn nhất định như: Sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri những đề xuất kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan chức năng hàng năm là khá lớn, từ hàng chục, hàng trăm hoặc vài trăm kiến nghị, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Có nhiều cử tri bức xúc, phản ánh nhiều lần; hoặc có kiến nghị được cử tri nhiều nơi quan tâm, kiến nghị đang được các cơ quan chức năng trả lời chung chung, chưa rõ ràng hay kiến nghị chưa được giải quyết,…
Quá trình giải quyết kiến nghị cử tri cũng liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ hoặc liên quan đến cơ chế chính sách của nhiều lĩnh vực nên việc giải quyết cũng còn rất nhiều ý kiến chưa được xử lý.
Khó khăn tồn tại nhiều là vậy, nên vẫn còn nhiều công dân khiếu kiện kéo dài, cử tri còn kiến nghị nhiều lần và cũng vẫn còn những công dân phải ở nhờ, ở tạm như thế…