Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mê Linh: Gập ghềnh giao thông nông thôn

Ngọc Quỳnh| 24/06/2010 07:27

(HNM) - Những năm gần đây, việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) ở huyện Mê Linh có những chuyển biến tích cực, hầu hết các tuyến đường giao thông huyết mạch của huyện và một số đường liên xã cũng được nâng cấp, duy tu sửa chữa.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng đường GTNT ở Mê Linh vẫn gặp phải những khó khăn "muôn thuở" như thiếu vốn đầu tư, không cân đối giữa vốn đầu tư và vốn bảo trì, bảo dưỡng đường…

Xây dựng chưa đi đôi với bảo quản

Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh, hiện nay, mạng lưới đường GTNT của toàn huyện có gần 60km, trong đó đường huyện hơn 15km; đường liên xã hơn 20km; đường liên thôn khoảng 15km. Xác định giao thông phải đi trước một bước, huyện đã tích cực trong việc huy động đầu tư củng cố phát triển mạng lưới giao thông. Nhờ đó đường GTNT trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, 50% đường huyện được nhựa hóa hoặc đổ bê tông xi măng (BTXM), 30% đường trục xã được bê tông hóa hoặc cấp phối, số lượng đường liên thôn được cứng hóa mặt đường bằng BTXM ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại nghịch lý lớn: Công tác xây dựng chưa đi đôi với bảo quản, giữ gìn.

Đường giao thông tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh được nâng cấp, cải tạo. 
Ảnh: Nguyệt Ánh

Anh Trần Thanh Hoài, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện cho biết: Huyện có 16 xã, 2 thị trấn, hệ thống GTNT cũ đều do nhân dân tự xây từ trước đây nên rất kém, chưa đạt 50% tiêu chí nông thôn mới. Thực tế, trước kia các tuyến đường này được đổ bê tông dày 12-15cm nhưng hầu như không có rãnh thoát nước nên chất lượng các đoạn đường đó rất kém, chỉ một thời gian rất ngắn, nước đã phá hỏng đường. Các con đường cũ đều chưa bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, đường rất nhỏ. Huyện có chủ trương làm lại các tuyến đường trục chính liên xã nhưng lại vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, hiện nông dân đã xây dựng nhà ở hai bên đường. Muốn mở rộng đường phải có khoản kinh phí khá lớn cho đền bù GPMB, đó là chưa kể đến việc phải lo tái định cư cho nhân dân.

Còn một điều bất cập nữa là, trước đây, khi triển khai xây dựng đường GTNT, các địa phương đều không nghiên cứu độ cao chuẩn nên nhiều nơi trở thành chỗ chứa nước khi các tuyến đường nhựa liên huyện, liên xã xây dựng sau có nền cao hơn. Mặc dù, thời gian qua, thành phố đã cấp kinh phí hỗ trợ các dự án đường nhưng nguồn vốn đối ứng của các địa phương rất lớn nên khó có khả năng thực hiện bởi đa số nhân dân ở đây đều sống bằng nông nghiệp, sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập quá thấp nên không có điều kiện đóng góp kinh phí. Vì vậy, việc triển khai xây dựng đường GTNT ở huyện rất chậm và khó khăn.

Quy hoạch và đầu tư có trọng điểm

Để khắc phục những khó khăn trên và từng bước đầu tư xây dựng hệ thống đường GTNT ngày càng hoàn thiện, trong năm 2010, UBND huyện đã có kế hoạch cải tạo, xây mới các tuyến đường trục chính, liên xã, liên thôn từ các nguồn vốn huy động. Hiện nay, huyện đang triển khai 10 dự án để nâng cấp các tuyến đường làm ngõ, kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, 14 dự án xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xã tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Chủ trương của huyện cố gắng hoàn thành các dự án này trong năm 2010. Khi các dự án này hoàn thành cơ bản hệ thống đường GTNT trên địa bàn huyện Mê Linh được hoàn chỉnh.

Theo anh Trần Thanh Hoài, để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh phát triển GTNT cần phải có quy hoạch GTNT cho từng vùng trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung để việc đầu tư có trọng điểm và hiệu quả, tránh lãng phí. Bên cạnh đó là củng cố tổ chức quản lý GTNT từ huyện đến xã, thị trấn. Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý trước, trong và sau khi xây dựng công trình GTNT nhằm thường xuyên bảo dưỡng, nâng cao chất lượng công trình.

Trao đổi về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, công tác xây dựng đường GTNT cần phải được chú trọng từ khâu chuẩn bị đầu tư, phân bổ kế hoạch đến kiểm tra chất lượng xây dựng, nghiệm thu công trình. Khi các tuyến đường BTXM hoàn thành cần bàn giao cho khu dân cư quản lý để họ có trách nhiệm hơn trong việc bảo quản, giữ gìn. Ngoài vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng là vốn, các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ địa phương trong việc lập dự án, cân đối vốn xây dựng và vốn bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh: Gập ghềnh giao thông nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.