(HNMO) - Ngày 8/1, chuyến bay VN162 của Vietnam Airlines khởi hành từ Đà Nẵng lúc 8h59, khai thác bằng tàu Airbus A321 (số đăng ký VNA601) đến Hà Nội. Trên máy bay có tổng cộng 173 người (bao gồm hành khách và phi hành đoàn), dự định hạ cánh tại Sân bay Nội Bài lúc 10h.
Tuy nhiên, vào lúc 9h29, tức là sau 30 phút bay, tổ lái và hệ thống theo dõi khai thác tại trung tâm điều hành đã phát hiện có sự cố về lốp bên trái thuộc hệ thống càng của tàu bay và yêu cầu trợ giúp tại mặt đất.
Cơ quan không lưu điều hành chuyến bay (Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội) đã thực hiện ngay các yêu cầu của tổ lái; thông báo tới các cơ quan không lưu liên quan, Sở Chỉ huy khẩn nguy tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Vietnam Airlines kích họat hệ thống khẩn nguy theo quy định.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đích thân có mặt tại sân bay Nội Bài để trực tiếp chỉ đạo, phối hợp xử lý tình huống. Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp điều hành công tác phối hợp xử lý tình huống với kiểm soát viên tiếp vận, Đài chỉ huy Nội Bài, đề nghị tàu bay bay thông thường để quan sát tình trạng hệ thống càng của tàu bay, quyết định đưa ra phương án an toàn và tối ưu nhất. Đồng thời bố trí sẵn sàng các phương tiện trợ giúp tại mặt đất như xe cứu thương, xe cứu hỏa và thợ máy theo phương án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp kiểm tra vết cắt gây xịt lốp máy bay Vietnam Airlines. (Ảnh: An toàn giao thông) |
Cơ trưởng kinh nghiệm của Vietnam Airlines và 2 kỹ sư máy bay đã trực tiếp lên đài kiểm soát không lưu Nội Bài trợ giúp tổ bay xử lý tình huống. Nhờ đó chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 10h24, toàn bộ hành khách xuống máy bay bình thường.
Ngay sau đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cùng đại diện lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Vietnam Airlines đã có buổi trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí về sự cố này.
Theo đó, sau khi máy bay hạ cánh, đánh giá sơ bộ thấy bên cánh lốp có vết cắt dài khoảng 10cm. Ông Lại Xuân Thanh cho biết: có 2 khả năng xảy ra. Thứ nhất là do vật ngoại lai tác động vào lốp trong quá trình tàu bay chạy đà trên đường băng. Thứ hai là do lốp. Tuy nhiên phải có điều tra kỹ lưỡng với kết luận chính thức.
Hiện tổ điều tra đã được thành lập. Trước khi tàu bay chạy đà, lốp được kiểm tra không có bất thường và hệ thống máy móc cũng thông báo không có bất thường. Các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra đường băng ở sân bay Đà Nẵng nhưng không tìm ra điều gì bất thường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc theo dõi và xử lý tình huống của tổ bay và các cơ quan liên quan đã tuân thủ đúng quy trình, kịp thời và nhanh chóng, bảo đảm hạ cánh an toàn, thành công. Công tác phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan cũng rất chặt chẽ, nhịp nhàng. Đặc biệt tổ lái đã rất bình tĩnh, xử lý tình huống chính xác.
Trả lời câu hỏi về các thành viên tổ bay và Vietnam Airlines có thông báo sự cố cho hành khách trong quá trình bay, ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: do toàn bộ máy bay của Vietnam Airlines được theo dõi trạng thái bằng phần mềm nên phát hiện rất nhanh sự cố. Bộ phận chỉ huy mặt đất và phi công kết nối rất nhịp nhàng.
Trong sự cố sáng nay, theo quy chế phối hợp, lãnh đạo Vietnam Airlines phối hợp với lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay đã nhanh chóng nắm tình hình, đưa ra các quyết định nhanh chóng, chỉ đạo phi công hạ cánh chuẩn xác, bảo đảm an toàn mà không cần triển khai phương án phun bọt trên đường băng. Cơ trưởng là người Bồ Đào Nha và cơ phó người Việt Nam. Cả hai đều có nhiều kinh nghiệm bay. Hiện tổ lái đã tiếp tục thực hiện chuyến bay khác để đưa khách vào Đà Nẵng.
Khi đang xảy ra sự cố, Vietnam Airlines không thông báo cho hành khách bởi theo quy định của ngành hàng không, có những thông tin cần tham khảo hành khách nhưng cũng có những thông tin không nên cho hành khách biết. Trong trường hợp này, thiết bị báo lốp có thể bị xì hoặc có thể không vì máy móc báo, con người không kiểm tra được trong quá trình máy bay đang bay, nên đã không thông báo cho hành khách.
Sau khi hạ cánh, Vietnam Airlines đã thông báo cho hành khách rằng, chuyến bay gặp sự cố nên đã hạ cánh muộn so với lộ trình. Đặt giả thiết nếu thông báo ngay sẽ có khả năng dẫn đến hành khách hoảng loạn, qua đó gây khó khăn cho tổ bay xử lý tình huống. Chỉ với một lốp bị xì, tổ bay đã lựa chọn phương án hạ cánh thông thường thay vì hạ cánh bằng bụng mà vẫn bảo đảm an toàn. Kết quả cho thấy, đây là một quyết định chính xác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.