(HNMO) - Chiều 17/7, một chiếc máy bay chở khách của Malaysia với 295 người trên máy bay đã bị trúng tên lửa đất đối không và rơi ở Ukraine, gần biên giới Nga. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Sơ đồ hành trình của chuyến bay MH17. |
Reuters dẫn nguồn tin trên cho biết, chiếc máy bay Boeing 777-200ER đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. Tai nạn được cho là xảy ra gần Donetsk, Ukraina. Máy bay bắt đầu mất độ cao khi đang ở chỉ 50 km trước khi vào không phận của Nga và rơi trên lãnh thổ Ukraina.
Hình ảnh được cho là hiện trường máy bay rơi với cột khói bốc cao. (ảnh cắt từ video clip) |
Câu hỏi đang được lan truyền trên internet là: Đây là tai nạn hay bị trúng đạn từ bên dưới mặt đất?
Reuters cũng nhấn mạnh không thể ngay lập tức xác nhận báo cáo Interfax.
Nguồn tin Business Insider cho rằng chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines.
Thời điểm máy bay rơi được cho rằng ngay trước thời điểm dự kiến máy bay sẽ vào không phận Nga lúc 17h20, giờ Moscow.
Xem video clip
Các quan chức Ukraina cho biết, người dân địa phương đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay.
Trong khi đó, hãng Malaysia Airlines cho biết trên Twitter của mình rằng đã mất liên lạc với chuyến bay của MH-17 từ Amsterdam. "Vị trí cuối cùng được biết là trên không phận Ukraina", thông tin trên Twitter viết.
Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Nội vụ Ukraina nói: "Một máy bay dân sự đi từ Amsterdam đến Kuala Lumpur vừa bị bắn hạ bởi một hệ thống chống máy bay Buk... 280 hành khách và phi hành đoàn 15 người đã bị chết".
Chiếc Boeing 777 được cho là trúng tên lửa Buk. |
Còn Interfax trích dẫn lời một quan chức Ukraina cho biết, chiếc máy bay biến mất khỏi radar khi nó đang bay ở độ cao 10.000 mét, độ cao điển hình cho máy bay, và nó được xác nhận tại Torez, gần Shakhtersk, khoảng 40 km từ biên giới Nga. Khu vực này là chiến trường giữa quân đội Ukraina và quân nổi dậy thân Nga.
Mảnh vỡ máy bay được người dân tìm thấy. Ảnh: Twitter |
Một quan chức Nhà Trắng xác nhận với trang tin Business Insider cho biết, Tổng thống Mỹ Obama đã được báo cáo về vụ tai nạn, và ông rất sốc. Ông Obama yêu cầu các quan chức cấp cao nước này duy trì liên lạc chặt chẽ với phía Ukraine để nắm thông tin.
Boeing cho biết trên Twitter, họ đang thu thập thông tin về vụ rơi máy bay.
Hãng hàng không Đức Lufthansa cho hay họ đã ngay lập tức tạm thời tránh không phận Ukraine.
Trong khi có tin RIA Novosti cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ trao đổi với người đồng cấp Mỹ Barack Obama về vụ máy bay rơi.
Trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói ông đã chỉ đạo cho quân đội nước này xác nhận thông tin về số phận chuyến bay MH17. "Chưa có thông tin xác nhận MH17 bị bắn hạ. Quân đội chúng tôi đã được hướng dẫn để giải quyết vụ việc", ông Hussein viết.
|
Reuter cho hay, các quan chức Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine đang có mặt tại hiện trường đã tìm thấy khoảng 100 thi thể, các phần thi thể bị văng xa tới 15 km tính từ khu vực máy bay rơi.
Theo RT, lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine và Nhà nước tự xưng "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" hiện đều phủ nhận có liên quan.
Truyền hình CNN cho biết, quan chức Bộ Nội vụ Ukraina phủ nhận có liên quan đến vụ việc, đồng thời cũng cho rằng máy bay đã trúng tên lửa phòng không.
Trong khi Thủ tướng Malaysia Razak Najib nói: "Tôi hoàn toàn bị sốc trước thông tin này. Chúng tôi sẽ điều tra".
Một quan chức quân sự Nga nói với hãng tin RIA rằng không có máy bay quân sự nào của Nga hôm nay bay gần khu vực biên giới Nga - Ukraine, và Nga không liên quan đến vụ việc.
Các cơ quan hàng không Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đều đã ngay lập tức chỉ thị các chuyến bay tránh qua khu vực này.
Thủ tướng Hà Lan đã lập tức trở về từ Brussel, Bỉ, để phối hợp với Ukraina về vụ việc này.
Hình ảnh cuối cùng của chiếc Boeing 777 bị rơi tại Ukraina. |
Tổng thống Ukraina, Petro Poroshenko, tin rằng một "hành động khủng bố" là nguyên nhân làm chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị rơi. Svatoslav Tsegolko, thư ký báo chí của ông nói với báo chí: "Tổng thống Poroshenko tin rằng máy bay đã bị bắn. Đó không phải là một sự cố, không phải là một thảm họa, mà là một hành động khủng bố".
Interfax trích dẫn nguồn tin Bộ Nội vụ Ukraina cho rằng, không có ai sống sót trong vụ rơi máy bay này. Trong số nạn nhân có 23 người là công dân Mỹ.
Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc trao đổi điện thoại với Tổng thống Mỹ Obama xung quanh vụ máy bay rơi.
Thị trường chứng khoán trên thế giới đã lập tức giảm mạnh. Giới đầu tư trú ẩn an toàn vào trái phiếu chính phủ và vàng tăng sau khi tin tức một máy bay phản lực các hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở miền đông Ukraine, gần biên giới Nga. Vụ việc làm dấy lên mối lo ngại rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể mở rộng sau khi Mỹ trừng phạt chống lại nước Nga được công bố vào cuối ngày thứ tư.
Các vụ máy bay thương mại bị trúng đạn lạc trong lịch sử - Ngày 20/4/1978: Chuyến bay 902 của hãng hàng không Hàn Quốc Korea Airlines bay từ Paris đến Seoul trúng đạn lạc của một máy bay đánh chặn Xô Viết, phi hành đoàn đã hạ cánh bắt buộc vào ban đêm xuống bề mặt của một hồ nước đóng băng. 2 trong số 97 hành khách đã bị chết. |
Các quan chức cho biết họ đã tìm thấy chiếc hộp đen của máy bay MH17.
Theo BBC, lãnh đạo phe ly khai ở Đông Ukraine, Alexander Borodai lên tiếng đổ tội cho chính phủ Ukraine "bắn hạ phi cơ". Ông ta nói với đài Rossiya 24 TV của Nhà nước Nga rằng "không quân Ukraine bắn rơi máy bay Malaysia".
Tuy nhiên, cựu đại sứ Anh tại Nga, Tony Brenton nói "sẽ không ngạc nhiên nếu nghi ngờ hướng vào phe phiến quân".
Ông nói với BBC News rằng từ lâu nay, chính quyền Nga bị cho rằng đã cung cấp vũ khí cho phiến quân chống chính phủ Kiev.
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak, theo dõi thông tin về vụ máy bay rơi. |
Tuy chưa rõ chi tiết từng hành khách chuyến bay thuộc các quốc tịch nào. Song ban đầu xác định được có 154 công dân Hà Lan, 27 công dân Austrailia, 23 công dân Malaysia, 23 công dân Mỹ, 11 công dân Indonesia, 4 công dân Pháp.
BBC cho biết tuyến Amsterdam - Kuala Lumpur được hành khách các nước Malaysia, Indonesia ưa chuộng khi bay tới và đi khỏi châu Âu.
Người phụ nữ khóc ngất khi nghe tin người thân gặp nạn |
Cho đến lúc này, nguyên nhân máy bay rơi vẫn đang là câu hỏi lớn được bình luận trên các kênh truyền hình lớn như CNN, BBC. Đây là lần thứ hai trong năm, máy bay chở khách của Malaysia gặp nạn thảm khốc. Trước đó, ngày 8/3, chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines chở theo 239 người khởi hành từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã biến mất khỏi màn hình radar khi nó đang bay trên vùng biển cách không xa Malaysia. Chính quyền Malaysia đã chi 8,6 triệu USD để tìm kiếm máy bay mất tích, nhiều quốc gia cũng đã tham gia cuộc tìm kiếm nhưng số phận chiếc máy bay cùng với 239 người trên khoang đến nay vẫn còn là điều bí hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.