(HNM) -
Elaziz đã không thể sống sót khi cố gắng vượt qua đám đông chen lấn nhau để trốn chạy ở nhà thờ Hồi giáo Rabaa al-Adawiya tại thủ đô Cairo. Cô gái được sinh ra tại Ai Cập này chỉ là một trong số hơn 700 người đã thiệt mạng trong 4 ngày kinh hoàng tại đất nước của các Pharaoh. Thế nhưng con số đang khiến cả thế giới rùng mình này chưa dừng lại khi những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vẫn tiếp tục đổ ra đường phố để tìm kiếm sự trở lại của cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi mà quên đi cả tính mạng của mình.
Lệnh giới nghiêm, xe bọc thép, xe tăng, trực thăng, súng cối, đạn thật… đều đã được sử dụng tại Ai Cập ngay trong thời bình. Cảnh tượng hoang tàn và nhuộm mùi bạo lực trong suốt 4 ngày qua đã biến quốc gia Bắc Phi thành một chiến địa thực sự. Có điều, sự đổ máu ấy không phải là hậu quả tất yếu của một cuộc xâm lăng mà là kết cục được báo trước của một cuộc tranh giành quyền lực có chủ ý.
Sau ngày đẫm máu 14-8 mà chắc chắn sẽ trở thành ký ức đen tối trong lịch sử Ai Cập hiện đại, lại vẫn có thêm một "Ngày thứ sáu thịnh nộ" nữa với những dòng người sục sôi trên đường phố theo lời kêu gọi của MB. Sự phản kháng đến cùng này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tổ chức chính trị được thành lập từ năm 1928 vẫn quyết không từ bỏ cơ hội đưa họ trở lại nắm quyền dù cái giá phải trả bằng tính mạng. Hoạt động từ cách đây 85 năm, MB có sự ảnh hưởng khá lớn tại các khu vực nông thôn nghèo của Ai Cập trong khi gần như không có tiếng nói trên chính trường qua nhiều chế độ, đặc biệt dưới sự "cai trị" của cựu Tổng thống xuất thân từ quân đội Hosni Mubarak. Nỗi chán ghét sự chuyên quyền của ông H.Mubarak đã trao cho MB thời cơ ngàn vàng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại quốc gia Bắc Phi cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, sự lên ngôi bất ngờ này đã kết thúc chóng vánh với cuộc ra đi của cựu Tổng thống M.Morsi. Lẽ dĩ nhiên, MB không dễ dàng chấp nhận cuộc rút lui êm ái khi họ đã đợi đến hơn 80 năm để có quyền lực tại Ai Cập, cơ sở đầu tiên để phong trào có "chân rết" tại nhiều quốc gia Arab này đặt nền móng cho tham vọng về một nền chính trị Hồi giáo tại khu vực. Nếu như thất bại tại đại bản doanh ở xứ sở Kim tự tháp, giấc mộng vươn lên như một lực lượng chính trị có quyền lực nhằm định hình khu vực Trung Đông và Bắc Phi thời hậu Mùa xuân Arab của MB rất có thể sẽ tan thành mây khói.
Tuy nhiên, kế hoạch của MB lại là điều mà chính phủ lâm thời của Tổng thống Adly Mansour - đại diện cho những lực lượng cấp tiến, Thiên chúa giáo và thế tục chủ yếu cư ngụ ở những thành phố lớn của Ai Cập - có thể thỏa hiệp. Quyết tâm chống lại mô hình Hồi giáo hóa đất nước với những luật lệ hà khắc mà MB theo đuổi là động lực dẫn đến cuộc cách mạng thứ hai lật đổ ông M.Morsi hôm 3-7. Việc chỉ thị cho lực lượng an ninh áp dụng các biện pháp trấn áp cứng rắn với người biểu tình những ngày qua cho thấy rằng chính quyền Cairo kiên quyết bảo vệ thành quả và gạt MB khỏi vũ đài chính trị. Tuyên bố cân nhắc việc giải tán phong trào Hồi giáo này là động thái rõ ràng thể hiện cho mong muốn đưa MB ra khỏi vòng pháp luật thay vì nhượng bộ nhằm giảm bạo lực.
Vì vậy, không có những dấu hiệu để tin rằng tình hình tại Ai Cập sẽ sớm được cải thiện trong tương lai gần khi cả hai phe đều nhất quyết tận dụng lợi thế. Trong cuộc chiến quyền lực này, vũ khí của MB là hàng triệu người dân nghèo, còn với chính quyền đương nhiệm lại chính là quân đội Ai Cập, lực lượng có vai trò quyết định trong các cuộc đổi ngôi ở xứ sở Pharaoh. Tuy nhiên, cũng vì tiếng nói trong hậu trường quá lớn của quân đội mà Ai Cập có thể sẽ tránh được nguy cơ trở thành một Syria tại Bắc Phi. Với việc kiểm soát 35% đến 40% nền kinh tế xứ Kim tự tháp, có lẽ đội quân hùng mạnh này sẽ biết cách để kiểm soát tình hình vì lợi ích của họ trước khi mọi thứ sụp đổ.
Dẫu vậy, thực tế tại Ai Cập thời gian qua cho thấy rằng mọi thứ đều có thể xảy ra. Những gì đã biến đổi quốc gia ổn định và có ảnh hưởng hàng đầu trong thế giới Arab trước kia thành một chiến trường tàn khốc hôm nay để lại nhiều suy ngẫm. Từ chỗ cùng nhau làm nên cuộc Cách mạng Hoa sen cách đây hơn hai năm, hai phe phái chính trị lớn tại Ai Cập đã "chia đôi con đường" ngay khi cần bắt tay để xây dựng đất nước. Đến lúc này, hoài bão về một nền dân chủ gần như đã bị chôn vùi thêm lần nữa. Một bên dùng vũ lực để bảo vệ chiếc ghế và bên kia dùng mạng sống của người ủng hộ làm bệ phóng cho ước mơ quyền lực, cuộc chơi dân chủ ở Ai Cập đã bộc lộ màu xám của một Mùa đông bất ổn như mặt trái của Mùa xuân Arab.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.